Sinh năm 1987, bác sỹ Đặng Thị Phương đến với nghề y từ năm 2008 với nhiệm vụ của một y sỹ. Với ý chí, quyết tâm học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năm 2013, chị tốt nghiệp bác sỹ chuyên ngành y học cổ truyền tại Đại học Y Thái Bình. Khi học xong, bác sỹ Phương được điều động tăng cường về tại Trạm y tế xã Yên Quang, một xã miền núi còn nhiều khó khăn. Sau 1 năm công tác tại Trạm, năm 2014, bác sỹ Phương được bổ nhiệm làm Trạm trưởng.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng với tình yêu nghề, bác sỹ Phương bắt tay vào xây dựng Trạm đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Từ một Trạm y tế thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, bác sĩ Phương đã đề xuất, tham mưu đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, như máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, máy xét nghiệm sinh hóa máu…; thay đổi, sắp xếp lại toàn bộ hoạt động của Trạm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Năm 2014, Trạm y tế xã Yên Quang đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và phục vụ thiết thực việc khám, điều trị cho người bệnh vùng núi, được nhân dân trong xã tin tưởng.
Là Trạm trưởng Trạm y tế xã, bác sĩ Phương luôn tận tâm, cần mẫn với công việc, với phương châm "làm hết việc chứ không hết giờ", không gây phiền hà cho người bệnh, không tùy tiện, qua loa, tắc trách dẫn đến nhầm lẫn, sai sót trong chuyên môn. Để công việc đạt hiệu quả cao, bác sĩ Phương phân công nhiệm vụ hợp lý cho từng cán bộ y tế tại Trạm, đảm bảo phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn từng người; đồng thời duy trì nề nếp trực 24/24 giờ, nhằm đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn của Trạm. Đồng thời, năng động trong tìm hướng đi mới trong việc tận dụng thế mạnh về chuyên khoa y học cổ truyền đã được đào tạo để phát triển và tuyên truyền thói quen sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh tại xã có trên 70% là người dân tộc Mường. Hiện Trạm đã hình thành được vườn thuốc nam với trên 60 loại cây; trang bị được một số trang thiết bị hiện đại trong điều trị y học cổ truyền, như máy điện châm, máy thủy châm… Năm 2019, tổng số lượt khám, chữa bệnh tại Trạm đạt 2.616 lượt, đạt 130,80% kế hoạch năm; khám dự phòng đạt 6.891 lượt, đạt 172,27% kế hoạch năm. Hàng năm, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tiến tại Trạm chỉ chiếm dưới 1%. Đặc biệt, 6 năm qua, hiệu quả điều trị bệnh bằng y học cổ truyền tại Trạm được thực hiện an toàn, hiệu quả. Tỷ lệ người bệnh được điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại đạt 38% tổng số lượt khám chữa bệnh hàng tháng (trung bình Trạm điều trị từ 200-300 lượt bệnh nhân/tháng).
Không chỉ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, bác sỹ Đặng Thị Phương còn là tuyên truyền viên y tế nhiệt huyết, luôn gần dân, sát dân; chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông cho Trạm; phối hợp chặt chẽ với 9/9 y tế thôn, bản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, xóa bỏ những phong tục, tập quán không phù hợp về việc tự chữa bệnh, đẻ tại nhà; vận động nhân dân thực hiện các chương trình y tế dự phòng và chương trình Quốc gia về y tế... Hàng năm, Trạm hoàn thành 100% các chương trình quốc gia về y tế, như phòng, chống bệnh mãn tính không lây, phòng, chống bệnh lao, phong, mù lòa, phòng chống sốt rét, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm... Nhiều năm qua, Trạm y tế xã Yên Quang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Sở Y tế tặng Giấy khen nhiều năm liền.
Là lãnh đạo trẻ, bác sỹ Phương cũng nhiệt tình tham gia nghiên cứu khoa học, áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Tiêu biểu trong năm 2018, đề tài "Nghiên cứu thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về phòng, chống bệnh chân tay miệng của người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xã Yên Quang" được áp dụng hiệu quả; năm 2019, số trẻ mắc bệnh chân tay miệng trên địa bàn xã giảm 56% so với năm 2018.
Với những đóng góp của mình trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương, bác sỹ Đặng Thị Phương nhiều năm được Sở Y tế, UBND huyện Nho Quan, UBND xã Yên Quang tặng giấy khen. Năm 2019, chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bài, ảnh: Tiến Minh