Giản dị trong cuộc sống, gần gũi và cởi mở với đồng nghiệp, đặc biệt là tận tụy với công việc, luôn động viên, an ủi, chăm sóc tận tình người bệnh như chính người thân của mình…, đó là lời nhận xét của cán bộ, bác sĩ, y tá Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô về nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Khoa bệnh nhân nữ.
Dẫn chúng tôi ra thăm nơi điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Hoa đang làm việc, bác sĩ Phạm Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đối tượng người bệnh là bệnh nhân tâm thần, bởi vậy công việc của bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Trung tâm vất vả hơn nhiều. Khoa bệnh nhân nữ càng đòi hỏi người điều dưỡng phải gần gũi, sát sao để phát hiện những bất thường từ người bệnh để có chế độ chăm sóc phù hợp. Điều kiện làm việc của khoa còn nhiều khó khăn, song với sự vững vàng về chuyên môn, siêng năng, cẩn thận và hoạt bát trong việc xử lý các tình huống, điều dưỡng Hoa đã phối hợp tốt với bác sĩ trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, được lãnh đạo tin tưởng và người bệnh yêu quý. Tranh thủ trò chuyện với Ngọc Hoa trong lúc các bệnh nhân do chị hướng dẫn đang say sưa nhặt cỏ làm sạch vườn hoa, điều dưỡng Ngọc Hoa cho biết, chị sinh ra ở huyện Yên Mô. Những năm học ở trường trung cấp y, bên cạnh được truyền đạt những kiến thức về chuyên môn, chị còn được biết đến những tấm gương sáng trong ngành Y khiến chị ngày càng yêu nghề. Tốt nghiệp ra trường, chị về nhận công tác tại Trung tâm Phục hồi chức năng thâm thần Yên Mô. Những ngày đầu làm việc với các bệnh nhân "đặc biệt" này khiến chị Hoa không khỏi e ngại. Bởi có đến 90% bệnh nhân ở đây không có người nhà chăm sóc, thế nên điều dưỡng còn phải chăm sóc cho bệnh nhân từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc cho bệnh nhân, thậm chí là bệnh nhân nam. "Ban đầu thì cũng ngại lắm, nhưng nếu mình coi họ như người thân trong nhà bị đau ốm và mình chăm sóc họ như cho chính người thân thì việc đó cũng trở nên bình thường. Những hôm trời rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn. Thế là người giữ, người dội nước, kỳ cọ, trong khi bệnh nhân vẫy vùng tìm cách chống lại" - chị Hoa chia sẻ.
Do bệnh nhân tâm thần thường vô thức, nên việc khám bệnh, điều trị, chăm sóc cho họ là vô cùng vất vả. Để điều trị có hiệu quả, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50%. Nhiều khi điều dưỡng phải "hóa thân" để cùng cười, nói, tâm sự cùng người bệnh. Tuy không trực tiếp làm công tác khám bệnh, song người điều dưỡng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của người bệnh thông qua việc quan sát bệnh nhân khi ăn, ngủ, sinh hoạt… để kịp thời cung cấp cho bác sĩ những thông tin quan trọng khi chẩn đoán bệnh kèm theo cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh cấp. Bởi người bệnh không biết phản ánh những bất ổn mình đang gặp phải. "Bệnh nhân ghẻ cũng không kêu ngứa, đau bụng cũng chả than phiền. Năm ngoái, có một bệnh nhân bị đau ruột thừa. Tất nhiên, bệnh nhân không biết kêu đau. Tuy vậy, thông qua việc quan sát biểu hiện bất thường của người bệnh của người điều dưỡng, cùng với kinh nghiệm, chuyên môn vững của bác sỹ mà các bác sĩ đã chẩn đoán chính xác bệnh, kịp thời có hướng điều trị cho bệnh nhân" - chị Hoa kể.
Một năm mới đã bắt đầu, chị Hoa và các cán bộ, bác sỹ, y tá, điều dưỡng ở Trung tâm lại tất bật với công việc thường ngày bằng sự cảm thông, tình yêu thương đồng loại. Những khó khăn trong việc chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này còn rất nhiều. Song tin rằng, với sự nỗ lực của chị Hoa và tập thể cán bộ, bác sỹ, y tá…, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô thực sự là nơi ấm áp tình người, là ngôi nhà hạnh phúc của những bệnh nhân tâm thần.
Đào Hằng