Con đường theo ngành y mà chị Ngọc đã lựa chọn từ đam mê của tuổi trẻ nhưng đã gắn bó với chị như duyên nghiệp của cuộc đời vậy. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc chia sẻ: Trước đây, nhiều sinh viên y không muốn lựa chọn theo chuyên ngành nhi vì rất vất vả và tính nguy cơ cao, nhưng tôi đã lựa chọn đi theo chuyên ngành này và gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Mỗi lần chữa trị thành công cho bệnh nhân nhi, tôi thấy nặng lòng với nghề hơn, bởi còn rất nhiều bệnh nhân cần tới chúng tôi. Nhớ ngày đầu về tỉnh công tác, cơ sở vật chất cho khoa Nhi thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh nhân thường xuyên phải chuyển tuyến trên. Ban đầu khoa Nhi chỉ có 10 giường bệnh, trong khi bệnh nhân rất đông, có ngày bệnh nhân phải ghép giường. Sau đó, Bệnh viện tăng chỉ tiêu lên 25 giường bệnh vẫn không đủ bởi trung bình một ngày có khoảng 40-50 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Khoa, có những ngày tới 80-90 bệnh nhân. Công việc nhiều, áp lực lớn bởi đặc thù bệnh nhân nhi rất đặc biệt nên mỗi y, bác sỹ của khoa không thể lơ là, chủ quan được. Vì thế, tại khoa Sơ sinh, máy đo sự sống bệnh nhân duy trì hoạt động liên tục, bác sỹ luôn ở tâm thế sẵn sàng cấp cứu. Trước thực tế công việc tại khoa và nhằm giảm tải cho tuyến trên, các đề tài nghiên cứu khoa học, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới trong hoạt động khám, chữa bệnh được các y, bác sỹ khoa Sơ sinh tích cực triển khai như: Làm mát não bệnh nhân, bơm Surfactant, hiệu quả thông khí áp lực dương liên tục (CPAP) trong điều trị suy hô hấp ở trẻ đẻ non, giữ ẩm cơ thể cho trẻ đẻ non... Kết quả thu được rất khả quan, khoa Sơ sinh đã điều trị được những ca bệnh nặng, nuôi sống được nhiều bệnh nhân sơ sinh non tháng có cân nặng từ 700g trở lên. Từ năm 2010 đến nay, chị Ngọc đã có 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Nhiều đồng nghiệp đang công tác trong ngành Y đều có chung nhận xét: Các đề tài, sáng kiến của bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh nhân sơ sinh tại Bệnh viện Sản-Nhi. Theo đánh giá của Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như những năm 2010 trở về trước, Ninh Bình là tỉnh có số lượng bệnh nhi chuyển tuyến cao trong các bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc. Nhưng hiện nay, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình có bệnh nhân chuyển tuyến thấp nhất. Hiện nay Bệnh viện Sản-Nhi không chỉ điều trị cho nhân dân trong tỉnh mà còn thu hút bệnh nhân thuộc các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định... đến khám, chữa bệnh.
Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, năm 2010, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình. Dù ở cương vị nào, năng lực của chị cũng được khẳng định bằng chất lượng công việc. Trên cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Sơ sinh, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, chị Ngọc luôn hướng dẫn, truyền lại những kinh nghiệm trong nghề cho đồng nghiệp là các y, bác sỹ trẻ và cùng các bác sỹ trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chuyên môn tại các khoa, phòng chị trực tiếp quản lý. Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, chị đã cùng Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện phấn đấu đưa tổ chức Công đoàn Bệnh viện ngày càng vững mạnh, thiết thực chăm lo quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn. Vì thế, Công đoàn Bệnh viện Sản-Nhi từ ngày thành lập đến nay đều được công nhận là công đoàn vững mạnh xuất sắc. Năm 2012, Công đoàn Bệnh viện Sản-Nhi là công đoàn tiêu biểu, được Công đoàn Ngành đề nghị Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.
Không chỉ giỏi việc nước, chị còn là người vợ, người mẹ đảm việc nhà. Với những thành tích đó, nhiều năm chị là bác sỹ tiêu biểu của ngành Y tế Ninh Bình, nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của Sở Y tế, UBND tỉnh. Năm 2012, chị được tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" và Bộ Y tế tặng Bằng khen; được Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Y tế tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Hồng Vân