Với sự tận tâm, cẩn trọng và tâm huyết với nghề, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca bệnh nhập cảnh về nước, Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên nơi chị Huyền công tác được tin tưởng, trở thành khu điều trị COVID-19 tỉnh Ninh Bình, có nhiệm vụ cách ly, điều trị cho các ca bệnh và theo dõi các trường hợp F1. Tính trong 3 đợt cách ly, điều trị năm 2020, Phòng khám đã điều trị thành công cho 21 bệnh nhân và 39 trường hợp F1, với tổng số thời gian thực hiện nhiệm vụ điều trị kéo dài hơn 6 tháng.
Được phân công là trưởng nhóm điều trị cho bệnh nhân SARS-CoV-2 và cách ly các trường hợp F1 tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, bác sĩ Tạ Thị Thu Huyền luôn ý thức, trách nhiệm cao với công việc được giao, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trong tổ điều trị. Đồng thời thường xuyên tổ chức hội chẩn trong điều trị, báo cáo cấp trên về diễn biến của bệnh nhân để xin ý kiến chỉ đạo. Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác vô khuẩn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo Bộ Y tế để phòng tránh lây nhiễm. Kết quả, trong 3 đợt điều trị, không có nhân viên y tế nào thực hiện nhiệm vụ tại Phòng khám bị lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân.
Bác sĩ Tạ Thị Thu Huyền chia sẻ: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề và khó khăn đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi và các đồng nghiệp nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hết mức của lãnh đạo cấp trên cả về vật chất và tinh thần. Cùng với đó là trang bị đầy đủ vật tư, thuốc, máy móc thiết bị y tế phục vụ quá trình điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn, tìm hiểu về dịch bệnh mới nổi này, từ đó thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, không để lây nhiễm chéo trong khu điều trị cũng như lây bệnh cho mình...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sự động viên, bản thân chị Huyền và những cán bộ nhận nhiệm vụ tại Phòng khám cũng gặp nhiều khó khăn, e ngại. Đó là tâm lý lo lắng khi đây là căn bệnh truyền nhiễm mới nổi, chưa có thuốc dự phòng và điều trị đặc hiệu. Mọi người chưa từng có thời gian xa gia đình lâu đến như vậy. Cuộc sống biệt lập, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài... Đặc biệt là việc điều trị bệnh nhân trong điều kiện bắt buộc phải có trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, nên có những khó khăn nhất định. Cùng với đó là tâm lý nhiều bệnh nhân lo lắng, không yên tâm điều trị bệnh...
"Là năm thứ 26 công tác trong ngành Y, nhưng chưa bao giờ tôi phải đi biệt phái dài ngày đến như vậy. Trong khi nhà tôi cách Phòng khám chỉ chưa đầy 3km. Hơn nữa, điều kiện gia đình tôi cũng khá "đặc biệt": Tôi có mẹ già trên 80 tuổi cần chăm sóc, các con đều là con trai nên công việc gia đình, tự chăm sóc cho mình cũng có mức độ. Mọi việc đều phải nhờ vào chồng, là công chức nhà nước không có nhiều thời gian nên cũng khá vất vả. Gia đình thiếu bàn tay phụ nữ, nên chuyện anh con trai thứ 2 học THCS đi học muộn, mặc đồng phục không đúng ngày, cô giáo phải gọi điện thoại cho mẹ nhắc nhở là chuyện bình thường... Rồi những lần quá lâu không thấy mẹ về, các con lấy quần áo trong tủ của mẹ để mặc trêu nhau, chụp ảnh gửi cho mẹ, tôi xem cười đấy mà nước mắt tự chảy từ lúc nào... Là rất nhiều lần, sau những giờ phút tất bật với công việc, tôi lại đứng về phía cửa sổ phòng trực, mắt nhìn về ngôi nhà xa xa trong đêm tối, nỗi nhớ gia đình, chồng con không thể nào diễn tả hết được..." - bác sĩ Huyền kể lại chuyện đã qua mà mắt chị vẫn rưng rưng xúc động.
"Vậy nhưng, tôi cũng có những niềm vui, kỷ niệm, sự tự hào rất riêng và đáng nhớ, như là một phần trong cuộc đời, chắc sẽ không bao giờ trở lại. Đó là việc khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh phải thực hiện các biện pháp bảo hộ kỹ càng như đeo khẩu trang, găng tay y tế, quần áo bảo hộ kín mít...; là cả bác sĩ và bệnh nhân đều không rõ mặt nhau. Dịch bệnh nguy hiểm đòi hỏi cả bác sĩ và người bệnh chỉ có thể liên hệ với nhau bằng điện thoại. Có những bệnh nhân tâm lý yếu đuối, lo sợ khi bị bệnh ở xa gia đình, người thân, khiến chúng tôi phải thức trắng đêm theo dõi, động viên. Nhiều khi kiên nhẫn nghe điện thoại, nhắn tin trấn an tâm lý cho họ hàng giờ đồng hồ trong đêm... Thực sự, những lúc đó, chúng tôi không còn là bác sĩ điều trị, mà còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ bác sĩ tâm lý, thậm chí còn giữ vai trò là người chị, người mẹ, người thân ruột thịt đối với nhiều bệnh nhân, để họ yên tâm điều trị, không bi quan, lo lắng, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc..." - bác sĩ Huyền chia sẻ thêm.
21 bệnh nhân điều trị COVID-19 tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên là 21 trường hợp công dân Việt Nam về nước tránh dịch. Tại đây, họ được những cán bộ, bác sĩ, trong đó có bác sĩ Tạ Thị Thu Huyền tận tình chăm sóc, điều trị, động viên tâm lý và chữa khỏi bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh trở về quê hương trong niềm vui đoàn tụ. Phần thưởng nhận được của bác sĩ Huyền là những cuộc điện thoại, những tin nhắn, những bức thư viết tay của các bệnh nhân và người nhà của họ, trong đó là những lời cảm ơn, chúc mừng năm mới, chia sẻ với công việc khó khăn, nguy hiểm của các y, bác sĩ.
Với bác sĩ Huyền - đó là niềm hạnh phúc, tự hào mà chị luôn cố gắng và hướng đến trong cuộc đời làm nghề Y của mình. Và khi được hỏi, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Nếu tiếp tục có những ca bệnh cần cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, bác sĩ Huyền cho biết, chị vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ như đã từng làm trong thời gian qua.
Bài, ảnh: Hạnh Chi