Khởi sắc diện mạo nông thôn Ninh Bình Trong những năm gần đây chúng ta đã đạt được những thành tựu nông nghiệp đáng kể như: Giải quyết được vấn đề an toàn lương thực, sản lượng lương thực bình quân đầu người của tỉnh là 515,3 kg/ năm, cao hơn mức bình quân của cả nước (469,2 kg/năm); bên cạnh đó một số cây trồng và sản phẩm xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường như: Dứa đông lạnh, cói mỹ nghệ… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong nhiều năm đều đạt trên 4%.
Từ khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cấp ủy cùng chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã vào cuộc tìm hướng đi đúng, đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn, nhiều chương trình, dự án thiết thực đã được thực hiện. Đầu tháng 10 vừa qua, tôi được đi thăm một mô hình lúa chất lượng cao tại xã vùng cao Quảng Lạc (Nho Quan) do Hội Nông dân tỉnh đưa vào thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật. Tại đây người dân được biết đến giống lúa chất lượng cao cho giá trị trên 50 triệu đồng/ha, được tiếp xúc với kỹ thuật canh tác mới như: Xử lý phá ngủ, cấy mạ non, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học.
Đồng hành với người nông dân là hoạt động tích cực của lực lượng khuyến nông, khuyến ngư đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp xuất hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 630 trang trại các loại. Việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng cũng đã được ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân, mối liên kết "4 nhà" được thắt chặt, đem lại hiệu quả thiết thực như ở Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao, Công ty cung ứng vật tư nông nghiệp Hồng Quang…
Năm 2002, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 229 nghìn đồng/người/tháng, đến năm 2006 đã tăng lên 447 nghìn đồng/người/tháng (tính theo giá thực tế). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,64% năm 2004 xuống còn 9% năm 2008. Kết cấu hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn được tăng cường. Đến năm 2007, kiên cố hóa kênh mương đạt 75%, đường giao thông nông thôn được cải tạo cứng hóa. 66% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2007).
Tuy vậy, nông thôn còn nghèo và nhiều khó khăn. Chiếm 70% dân số nhưng thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn mới chỉ bằng 1/2 mức bình quân ở thành thị. Tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian lao động thực tế ở nông thôn mới đạt khoảng 65%. Đa phần nông dân đều không nắm được nhu cầu thị trường. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp còn thấp. Ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Kết cấu hạ tầng thấp kém, không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kém bền vững trước thiên tai.
Một số giải pháp cho sự phát triển
Để đảm bảo được an ninh lương thực cần xác định được diện tích đất dành cho nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa và từ đó bảo vệ tốt quỹ đất này. Thêm vào đó cần có những chính sách nhằm khuyến khích tích tụ đất đai, tạo điều kiện đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất.
Hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp theo chiều sâu. Đây là hướng đi đúng đắn mà chúng ta đang thực hiện, đó là tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở để chuyển giao công nghệ nông nghiệp. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến. Phát triển mạnh loại hình bổ trợ kinh tế hộ, khuyến khích hình thành doanh nghiệp tư nhân, phát triển mô hình trang trại trên cơ sở sản xuất hàng hóa lớn.
Xây dựng nông thôn mới, cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học. Đảm bảo giao thông phải liên kết được với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với thủy lợi phải đa mục tiêu, ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện công tác dự báo thiên tai.
Thay đổi cơ cấu đầu tư, nguồn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn phải tương ứng với yêu cầu phát triển. Cần có thêm những chính sách hỗ trợ tương tự như việc khuyến khích nông dân phát triển cây vụ đông, mở rộng diện tích lúa cao sản.
Nguyễn Lựu