Từ một nền nông nghiệp lạc hậu Nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, đất đai Ninh Bình phân làm 3 vùng sinh thái rõ rệt, đi cùng với đó là 3 kiểu làm nông nghiệp đặc trưng: Vùng đồng bằng, bao gồm thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn chủ yếu trồng lúa, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Vùng đồi núi và bán sơn địa bao gồm huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp, phía Tây huyện Gia Viễn, phía Tây Nam huyện Hoa Lư và một phần huyện Yên Mô phát triển mạnh nghề trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả dứa, chè. Vùng ven biển Kim Sơn thì trồng rừng phòng hộ (sú, vẹt), trồng cói, trồng một vụ lúa và nuôi trồng thủy hải sản.
Ông Nguyễn Mạnh Rật, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình (thời kỳ 1994-2005) nhớ lại: Những năm mới tái lập tỉnh, vùng nào canh tác cũng khó khăn bởi cơ sở vật chất hạ tầng hầu như chưa được đầu tư, hệ thống đê bao, kênh mương không đáp ứng được yêu cầu, bão lũ thường xuyên đe dọa. Mạng lưới cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp rất mỏng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ tự túc 70-80% hạt giống, cơ cấu giống nghèo nàn, giống lúa chỉ có Nông nghiệp 8, Nông nghiệp 5, Xi…
Máy móc lúc đó rất ít và chủ yếu làm đất bằng trâu bò vì vậy mới có câu "cày gãi, bừa quệt", trên cánh đồng thi thoảng thấy đầu máy DT54 lật đất. Trồng trọt thì vậy, còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ yếu mang tính nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Với đường lối, chủ trương và những biện pháp phát triển đúng đắn, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém, từng bước phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng, giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Đầu tiên phải kể đến là phong trào kiên cố hóa kênh mương kết hợp với giao thông nông thôn phát triển rộng khắp; nhiều trạm bơm điện mới được xây dựng góp phần đảm bảo tưới tiêu chủ động cho hàng chục nghìn ha canh tác; hệ thống đê điều được tu bổ vững chắc hơn.
Các máy nông cụ được đưa vào góp phần tăng năng suất lao động. Cơ cấu trà lúa có nhiều thay đổi. Nếu như năm 1992 cả tỉnh chỉ có 26% trà xuân muộn thì đến năm 2001 trà xuân muộn đã thay thế căn bản diện tích trà xuân sớm và chiếm tới 90%. Cũng như vậy ở vụ mùa, năm 1992 trà lúa mùa sớm, mùa trung chỉ có 33% thì năm 2001 diện tích là trên 70%.
Năm 1993, tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình cấp I hóa giống lúa. Đồng loạt các Công ty giống cây trồng, trại sản xuất giống lúa được tổ chức lại, hàng chục HTX nhân, lọc, sản xuất giống nguyên chủng, HTX nào cũng có đội, nhóm hộ sản xuất giống lúa cấp I…
Đến năm 1995 giống lúa đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, có thể nói việc gieo mạ nền, mạ dày xúc, che phủ nilon, cấy mạ non là những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rất hiệu quả ở Ninh Bình. Các công nghệ này góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất lúa. "Tôi nhớ năng suất lúa ở Ninh Bình vào năm 1992 là 35 tạ/ha thì sang năm sau đã là 40 tạ/ha và hơn 20 vụ lúa sau đó năng suất vụ sau luôn cao hơn vụ trước. Sự liên tiếp này chưa bao giờ xảy ra trước năm 1992"- ông Nguyễn Mạnh Rật cho biết thêm.
Đến những thành công
Sau 25 năm tái lập tỉnh, tăng trưởng nông nghiệp luôn duy trì ở mức ổn định, bình quân 2-3%/năm. Nhiều lĩnh vực được mở rộng cả về quy mô, sản lượng, giá trị, tạo ra lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp năm 2016 đạt gần 8.300 tỷ đồng, tăng trên 12 lần so với năm 1991; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 105 triệu đồng/năm, tăng 5 lần so với năm 2001. Nhiều nông sản của Ninh Bình đã được xuất khẩu ra thế giới và được đánh giá cao về chất lượng như: gạo, dứa, dưa chuột bao tử, ngô ngọt, rau chân vịt…
Từ một tỉnh khi tái lập còn thiếu lương thực, hiện nay đã đảm bảo an ninh lương thực, có dự trữ và hướng tới làm hàng hóa. Năm 2016, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt gần 60 tạ/ha/vụ, tăng 2,4 lần; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 49 vạn tấn, tăng trên 2,3 lần; bình quân lương thực đầu người đạt 530 kg, tăng khoảng 2 lần so với năm 1991. Chính sách hỗ trợ sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả tích cực: diện tích lúa chất lượng cao liên tục tăng qua các năm: Năm 2011 chiếm gần 30% thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 45% diện tích.
Chính sách khuyến nông hỗ trợ phát triển sản xuất vụ đông đã góp phần mở rộng diện tích cây vụ đông lên hàng chục nghìn ha, tổng giá trị sản xuất đạt 600-700 tỷ đồng. Nhiều địa phương vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng có giá trị được đưa vào sản xuất mở rộng như dưa chuột, ớt xuất khẩu, rau, bí xanh…
Chăn nuôi phát triển nhanh, đa dạng, phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nông hộ nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại tập trung quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện quy mô đàn bò, đàn lợn, gia cầm đã tăng từ 2-5 lần so với năm 1991. Lĩnh vực thủy sản phát triển nhanh cả về nuôi trồng, đánh bắt, diện tích, năng suất, sản lượng. Tổng sản lượng thủy sản hiện nay vào khoảng 43,8 nghìn tấn, tăng gần 27 lần so với năm 1991.
Ninh Bình đã khai thác có hiệu quả vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn để nuôi tôm, cua, ngao... Tái cơ cấu nông nghiệp đã bước đầu thành công, cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản.
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Có thể nói, 25 năm qua, nông nghiệp Ninh Bình đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế, nhất là những lúc khó khăn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để duy trì và phát triển hơn nữa những thành quả trên, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tập trung tái cơ cấu ngành.
Ông Vũ Nam Tiến, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng hiệu quả và phát triển bền vững.
Cụ thể, ngành sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế sẵn có của tỉnh; phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh như dứa, rau quả; đánh giá lựa chọn các giống cây trồng mới, phục tráng các cây trồng bản địa.
Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Đặc biệt, có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Với những quan điểm chiến lược đó, Ninh Bình phấn đấu đến 2020 thực hiện các mục tiêu chủ yếu sau: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 2%/năm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, rau củ quả; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất bằng các hình thức dồn điền đổi thửa, thuê, khoán... để tổ chức sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm.
Hà Phương