Sản xuất nông nghiệp của huyện liên tục đạt ở mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 15 năm đạt 4,69%/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đồng đều trên cả 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 1995, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 144 tỷ đồng thì năm 2008 đã nâng lên 255,2 tỷ đồng, tăng gấp 1,77 lần so với năm 1995. Năng suất lúa năm 2008 đạt 121,1 tạ/ha/năm, cao hơn năm 1995 là 52,8 tạ/ha/năm (tăng 77%). Sản lượng lương thực năm 2008 đạt 82.423 tấn, tăng 1,97 lần so với năm 1995.
Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2009, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 64,8 tạ/ha, là năm đạt năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay (gần bằng năng suất lúa cả năm 1995), tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 45.000 tấn. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ sản xuất vụ mùa bấp bênh thì đến nay 100% diện tích đã đảm bảo ăn chắc hai vụ, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất vụ đông đạt từ 3.500 - 3.700 ha với hệ số sử dụng đất đạt 2,54 lần.
Về trồng trọt, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được chuyển dịch theo hướng tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng tỷ lệ diện tích trà lúa xuân muộn ở vụ đông xuân; trà lúa mùa sớm, mùa trung ở vụ mùa. Cơ cấu giống lúa cũng có sự thay đổi căn bản, huyện đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất cao vào gieo cấy và chú trọng mở rộng diện tích lúa đặc sản. Từ năm 2000 đến nay, vụ đông xuân gieo cấy 100% diện tích là lúa xuân muộn với cơ cấu lúa lai chiếm trên 60%, lúa chất lượng cao như LT2, Bắc thơm số 7 chiếm trên 25% diện tích gieo cấy; vụ mùa cấy 70% diện tích là trà mùa sớm để chủ động quỹ đất làm vụ đông với cơ cấu lúa chất lượng cao trên 30% và diện tích lúa lai chiếm 45%.
Huyện tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng các cây vụ đông, ngoài các cây truyền thống (ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang...), huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp khuyến khích nông dân đưa thêm các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao (lạc đông, bí xanh, dưa hấu, dưa bao tử) vào sản xuất. Qua quá trình phát triển, huyện đã xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã Yên Nhân, Yên Mạc, Khánh Thịnh; vùng sản xuất cây công nghiệp như lạc, đậu tương ở các xã Yên Thái, Yên Lâm, Khánh Thượng, Yên Phong; vùng chuyên canh cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất giống lạc vụ đông được che phủ nilon ở các xã Yên Thái, Yên Thắng...
Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển khá mạnh, đã chuyển từ hình thức chăn nuôi tận dụng sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng trong chăn nuôi bình quân đạt 6,37%/năm; giá trị chăn nuôi năm 1995 đạt 34.166 triệu đồng thì năm 2008 đạt 232.881 triệu đồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp tăng từ 24% năm 1995 lên 30,7% năm 2008. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 53 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Sản xuất thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích nuôi thủy sản tăng bình quân 7,2%/năm; giá trị sản xuất thủy sản năm 2008 đạt 48.190 triệu đồng, tăng 14 lần so với năm 1995; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,8% năm. Sản lượng thủy sản năm 2008 đạt 2.474 tấn, tăng 2.271 tấn so với năm 1995.
Phong trào chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp với cấy lúa được phát triển mạnh ở các xã vùng chiêm trũng. Toàn huyện đã chuyển đổi được 174 ha ruộng trũng sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản và xây dựng trang trại V.A.C.R với giá trị thu nhập cao hơn 1,5 - 2 lần so với cấy lúa. Nhiều gia đình nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh cho thu hoạch 11 tấn lúa/ha/năm và thu hoạch 4-5 tấn cá/ha; giá trị thu nhập đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm.
Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, sau 15 năm phát triển, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện đã giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn tăng cao nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, con nuôi theo hướng tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Yên Mô.
Hương Giang