Theo ghi nhận của chúng tôi, hơn 140ha lúa đông xuân của xã Yên Mật đang ở cuối giai đoạn đẻ nhánh, sắp chuyển sang thời kỳ đứng cái. Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Yên Mật cho biết: Đến nay, việc chăm bón cho lúa sau gieo cấy đã hoàn thành, hiện đang chuyển sang giai đoạn phòng trừ sâu bệnh, tiếp tục bón phân đón đòng.
Theo ông Bình, bón phân đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa vì đây là thời kỳ quyết định số hạt trên bông và cần bón phân đúng thời điểm mới có hiệu quả cao. Hơn nữa, trong giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều đối tượng gây hại đe dọa quá trình sinh trưởng của cây lúa, về côn trùng thì có rầy nâu, sâu cuốn lá, về bệnh hại thì có đạo ôn, cháy lá và khô vằn.
Do đó, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân theo dõi sát sao đồng ruộng, nắm chắc tình hình, phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Song song với đó, bà con vẫn tiếp tục việc chăm sóc lúa, tập trung làm cỏ và diệt chuột.
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Phạm Văn Đắc, xóm 4 (xã Yên Mật) cấy gần 1 mẫu lúa. Đây là vụ lúa ông Đắc đặt nhiều hy vọng do thời tiết khá thuận lợi, chất lượng giống lúa tốt. Tính đến nay, gia đình ông đã bón 3 đợt phân cho lúa, bao gồm bón lót trước khi gieo cấy, bón nhử sau khi gieo cấy từ 10-15 ngày, bón thúc giúp lúa bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh. Để chuẩn bị cho thời kỳ lúa đứng cái, ông Đắc đã mua 10kg urê và 20kg kali để bón thúc cho lúa làm đòng. Còn gia đình ông Trần Văn Bình, xóm 2 (xã Yên Mật) vụ này cấy gần 2 mẫu lúa Bắc thơm số 7.
Ông Bình vẫn còn canh cánh nỗi lo về bệnh lùn sọc đen hại lúa. Bởi vì vụ mùa 2017, gia đình ông và nhiều hộ khác trong xã bị thiệt hại khá nặng nề do bệnh lùn sọc đen gây ra.
Ông Bình cho biết: Trong vụ mùa 2017, tại ruộng lúa của gia đình, mức độ nhiễm bệnh không đồng đều. Diện tích lúa nhiễm nặng, năng suất lúa chỉ đạt hơn 40kg/sào. Nhận thức sâu sắc về mức độ nguy hiểm của bệnh lùn sọc đen mà tác nhân chính truyền bệnh là rầy các loại, vụ đông xuân này, ông Bình theo dõi sát sao đồng ruộng nhằm phát hiện sớm bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Sau vụ mùa năm ngoái, huyện có tổ chức tập huấn, chỉ rõ nguyên nhân gây bệnh. Qua đó, tôi hiểu rằng việc phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời với đối tượng rầy nâu và rầy lưng trắng là rất quan trọng.
Bên cạnh sự chủ động của người nông dân, xã Yên Mật cũng dành nhiều sự quan tâm đến vụ sản xuất lúa đông xuân này. Xác định vụ đông xuân là vụ lúa chính nên ngay từ đầu vụ sản xuất, xã Yên Mật đã tập trung, chỉ đạo HTX nông nghiệp, các thôn xóm tổ chức tuyên truyền đến bà con nông dân về lịch thời vụ, vận động bà con nông dân chuẩn bị sẵn vật tư nông nghiệp.
Đồng thời địa phương đã huy động lực lượng để nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi nội đồng, rà soát và kiểm đếm các loại máy bơm, máy làm đất hiện có để lên kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân... Với sự chuẩn bị sát sao, tin rằng, vụ đông xuân 2017-2018 sẽ là vụ lúa được mùa của bà con nông dân xã Yên Mật.
Bài, ảnh: Thái Học - Anh Tuấn