Sau 2 năm thực hiện Đề án Nông dân Hoa Lư nói không với thực phẩm bẩn đến nay Hội Nông dân xã Ninh Giang đã xây dựng được 3 mô hình sản xuất an toàn, đó là: mô hình trồng thanh long ruột đỏ, mô hình trồng chuối tiêu hồng, mô hình tổ hợp tác nuôi thủy sản. Và một kết quả khác không kém phần quan trọng từ việc thực hiện Đề án chính là nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên nông dân về vấn đề an toàn thực phẩm đang từng bước chuyển biến tích cực.
Bắt tay vào thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể và nhanh chóng triển khai đến từng chi hội. Để thực hiện Đề án có hiệu quả, tạo được sự lan tỏa lớn, Hội Nông dân xã đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền và tổ chức vận động trực tiếp đối với các hội viên. Hội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các buổi sinh hoạt chi hội hàng quý, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm, các buổi giao lưu hái hoa dân chủ... Cùng với đó, Hội còn thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh xã tuyên truyền kịp thời về những tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất chế biến thực phẩm an toàn và giới thiệu các địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch.
Không dừng lại ở tuyên truyền, Hội đã có những việc làm thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên đối với vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Triển khai và tổ chức ký cam kết với các hộ hội viên nông dân về việc nói không với thực phẩm bẩn. Đến nay, Hội Nông dân xã đã ký cam kết với 8/8 chi hội và 100% hộ hội viên. Sau đó Hội đồng loạt triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như: tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng rau an toàn, chế biến thực phẩm sạch cho hội viên. Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm giúp hội viên nông dân trong xã nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời hội cũng phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thực phẩm sạch, phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân, giúp người nông dân của địa phương tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Để Đề án tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới Hội nông dân xã Ninh Giang sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, đồng thời mong muốn có sự chung tay, giúp sức tích cực hơn nữa của cộng đồng xã hội.
Đào Duy