Kim Hải cùng với Kim Trung, Kim Đông và thị trấn Bình Minh là những địa phương nằm trên vùng bãi ngang Kim Sơn, được phù sa hai con sông lớn là sông Đáy và sông Càn bồi đắp.
Trước năm 2006, nông nghiệp vùng này chủ yếu là trồng cói nhưng do giá trị kinh tế thấp lại không ổn định trong tiêu thụ nên người dân đã chuyển dần sang nuôi tôm và đến nay nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo với gần 100% hộ dân làm nghề và tổng diện tích nuôi trồng vào khoảng 280 ha.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, độc canh thủy sản là một cách sản xuất thiếu an toàn. Nhất là trong tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn ngày càng bất lợi, thiên tai khó lường, môi trường ô nhiễm. Liên tiếp những năm gần đây, người nuôi tôm ở Kim Hải lao đao bởi dịch bệnh, mất mùa. Chỉ tính riêng vụ tôm 2016 này, cả xã đã có 50% số hộ có tôm bị chết với diện tích lên tới 190 ha.
Vì vậy, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là cách mà nông dân Kim Hải làm để nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Tới thăm hộ gia đình anh Vũ Văn Đại, xóm 1, Kim Hải, giữa vùng đầm lầy nước mặn xung quanh là rừng sú, vẹt, những chú vịt biển vẫn thản nhiên ăn uống, bơi lội. Nhà anh Đại nuôi vịt biển từ 2 năm nay, theo anh vùng đất này những năm trước không thể nuôi vịt bởi nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn, vịt nuôi thường còi cọc, kém phát triển.
Tuy nhiên, từ khi được Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ đưa giống vịt chịu mặn Đại Xuyên vào nuôi, mọi chuyện đã thay đổi. Mặc cho hạn mặn xảy ra, đàn vịt của gia đình anh vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao.
Anh Đại cho biết: Cách phòng bệnh, cho ăn, khẩu phần ăn của giống vịt này giống như vịt truyền thống nhưng tốc độ phát triển lại hơn 5-10%, sau 2 tháng vịt có thể đạt trọng lượng từ 2,5-2,8 kg/con.
Ngoài ra, đây cũng là giống vịt đẻ 235-240 quả/mái và đặc biệt trọng lượng trứng lên tới 80-85 gr/quả. Giá bán của trứng vịt Đại Xuyên rất cao từ 4-5 nghìn đồng/quả. Hiện nay, với đàn vịt 400 con, mỗi tháng gia đình đang thu lãi trên 10 triệu đồng.
Còn tại hộ gia đình chị Trần Thị Mai, xóm 2, xã Kim Hải, nuôi thủy sản không phải là sự lựa chọn duy nhất của gia đình như trước đây nữa mà thay vào đó là việc kết hợp giữa nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, cây thuốc nam. Chị Mai cho hay: Nếu không biết cách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mà chỉ độc canh thì rất dễ dẫn đến rủi ro.
Do vậy, hiện nay ngoài 2 ao tôm, gia đình còn dành diện tích trồng thêm 5 sào dưa, 2 sào thuốc nam và khoảng một trăm gốc thanh long. Các cây trồng này đều rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, chính đất mặn đã làm cho các loại trái cây có vị đậm đà và thơm ngon hơn.
Cũng theo bà Mai thì việc nuôi trồng đa cây, con không những giúp các hộ gia đình có thu nhập cao hơn mà còn ổn định và thường xuyên hơn.
Trao đổi với ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Hải được biết: Khó khăn nhất của Kim Hải hiện nay là thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng khắc nghiệt, môi trường nước ô nhiễm. Tần suất bão, mưa lớn nhiều hơn; nắng hạn kéo dài hơn.
Cụ thể như năm 2015, mùa xuân trên địa bàn hầu như không có mưa, mùa hè nhiều ngày nhiệt độ lên trên 40oC, còn độ mặn nước đã có thời điểm lên tới 30 phần nghìn trong khi những năm trước độ mặn cao nhất đo được cũng chỉ 24-27 phần nghìn.
Trước hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp như vậy, thời gian qua chính quyền xã đã phối hợp với các cấp, ngành cùng với bà con nhân dân có nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất để ứng phó.
Cụ thể, trong nuôi trồng thủy sản thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Chỉ đạo quyết liệt từ khâu cải tạo ao đầm đến chọn thả giống và quản lý môi trường nuôi nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng và an toàn sản phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp tục thử nghiệm đưa các con giống thủy sản mới như cá chim trắng vây vàng, cá bống bớp, cá nác hoa nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ngoài ra, các mô hình nuôi vịt biển, trồng dưa lê, dưa hấu, cây thuốc nam… cũng đang được xã khuyến khích mở rộng, góp phần giúp người dân cải thiện kinh tế và nâng cao thu nhập.
Hà Phương