Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội
Xác định công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện và các cơ sở đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ Hội. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ Hội. Chú trọng việc bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội khi thiếu khuyết. Hiện nay, toàn huyện có 37 đồng chí ủy viên Ban chấp hành (BCH) cơ sở, 14/17 đồng chí ủy viên BCH Hội Nông dân huyện, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội toàn huyện đã được nâng cao hơn.
Công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên được chú trọng, các cơ sở Hội đã xác định hội viên là yếu tố cốt lõi cấu thành tổ chức Hội, do vậy thường xuyên quan tâm phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ đã phát triển được 3.315 hội viên mới, nâng số hội viên lên 12.029 hội viên, đạt 89% so với hộ nông nghiệp và dịch vụ. Tiêu biểu là Hội Nông dân xã Ninh An, xã Ninh Thắng, xã Ninh Hải…
Đồng chí Đinh Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội được Hội Nông dân huyện và các cơ sở quan tâm chỉ đạo, hoạt động hướng về cơ sở, lấy chi hội, tổ hội là địa bàn hoạt động. BCH Hội Nông dân huyện phân công các đồng chí ủy viên BCH, cán bộ chuyên trách huyện phụ trách các xã, thị trấn dành thời gian đi dự sinh hoạt chi hội nhằm nắm bắt tình hình, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ đến hội viên, nông dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời kiến nghị với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm trong sinh hoạt chi hội, tổ hội để từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo trên địa bàn huyện. Duy trì nề nếp hoạt động của tổ chức hội các cấp theo đúng quy định Điều lệ; nội dung, phương thức hoạt động đổi mới phù hợp và đáp ứng yêu cầu của hội viên. Lồng ghép các nội dung hoạt động với các câu lạc bộ, tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…, vì vậy đã thu hút trên 80% hội viên tham gia sinh hoạt. Năm 2017, có 87/100 chi hội đạt vững mạnh, chiếm 87%; 10/11 cơ sở hội vững mạnh, chiếm 91%; không có cơ sở, chi hội trung bình, yếu kém.
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp ở địa phương
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy các cấp Hội quan tâm chỉ đạo phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội trong huyện đã vận động hội viên đi đầu trong các phong trào "dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng", chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng kiểu mẫu, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập cao; vận động nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển TTCN, dịch vụ, phát huy nghề truyền thống của địa phương. Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi được cán bộ, hội viên hưởng ứng, đến năm 2017 toàn huyện có 2.355 hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp (theo tiêu chí mới), trong đó có 32 doanh nghiệp, 200 trang trại và gia trại có thu nhập cao. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giúp đỡ hội viên thoát nghèo cho các cơ sở hội, mỗi cơ sở hội và hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh đăng ký giúp đỡ ít nhất 1 hộ hội viên thoát nghèo, các cấp Hội đã vận động quyên góp và ủng hộ, cho vay không lấy lãi giúp hội viên nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cơ sở đã giúp đỡ 113 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2017 còn 3,76% theo tiêu chí đa chiều.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết thêm: Cùng với phát động thi đua, Hội còn tập trung tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Hàng năm, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Mỗi cán bộ, hội viên ủng hộ 5.000 đồng trở lên/năm, đồng thời đề nghị tỉnh, huyện cấp bổ sung nguồn vốn. Trong nhiệm kỳ, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện tăng trưởng 538.570.000 đồng, nâng tổng nguồn vốn hiện nay Hội Nông dân huyện đang quản lý là 3.138.570.000 đồng cho 171 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tạo điều kiện cho hộ hội viên vay vốn. Từ những nguồn vốn trên đã giúp nông dân có vốn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã ký hợp đồng tín chấp để hỗ trợ nông dân mua vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm.
Các cấp Hội chủ động ký kết chương trình phối hợp với phòng, ban, ngành, các doanh nghiệp để chuyển giao, tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo. Hội Nông dân huyện phối hợp với các phòng, Ban Hội Nông dân tỉnh và Sở Công thương giúp các chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng Website quảng bá sản phẩm, tư vấn thông tin thị trường, tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Hội Nông dân huyện và cơ sở cũng đã phối hợp với các ngành thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, giải đáp những vướng mắc phát sinh của nông dân trong quá trình thực thi pháp luật trong đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Đào Duy