Là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn với đa dạng các loại con nuôi truyền thống và đặc sản, ông Đinh Minh Châu, 66 tuổi, thôn Sấm 2 được biết đến là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của Hội Nông dân xã Cúc Phương và huyện Nho Quan. Chia sẻ về quá trình gây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi đa dạng tại gia đình, ông Châu vui vẻ cho biết: "Năm 1977, khi phục viên, xuất ngũ về địa phương, nhìn gia cảnh khó khăn, nheo nhóc, tôi cũng nản. Nhưng rồi, ý chí của anh bộ đội cụ Hồ không cho phép tôi nản lòng.
Phải 2 năm sau đó (1979), tôi mới mạnh dạn bắt tay vào chăn nuôi những con nuôi đầu tiên là trâu và ong (do Tập đoàn của người Đức lúc đó làm việc ở Vườn Quốc gia Cúc Phương hướng dẫn, giảng dạy).
Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, rồi mở rộng thêm những con nuôi khác theo nhu cầu thị trường. Điều đáng mừng là tất cả các con nuôi được tôi đưa vào nuôi thử đều không bị thất bại hay thua lỗ nhiều, từ đó càng tạo cho tôi hứng thú với nghề chăn nuôi tại gia đình…".
Theo ông Châu, trong quá trình chăn nuôi hàng chục năm, mỗi con nuôi đều có thời gian thăng trầm nhất định, như một thời con nhím, con thỏ rất được giá, nhưng sau đó giảm hiệu quả rất nhanh. Còn lại, một số con nuôi được gia đình ông duy trì hàng chục năm và vẫn cho hiệu quả kinh tế cao là ong, lợn rừng và dê.
Đây là những con nuôi không cần chăm sóc và chi phí quá nhiều. Ví dụ như con lợn rừng, khi bắt đầu nuôi, ông Châu đi học hỏi tận Sơn La, sau đó về tận dụng núi đá sau nhà để đào hang cho lợn ở, sinh sống như trong tự nhiên.
Thức ăn ông cũng thực hiện nghiêm ngặt như không cho ăn cám công nghiệp, chỉ cho ăn rau, củ, tuy lợn tăng trưởng chậm nhưng bán được giá rất cao, hầu hết được người mua đăng ký trước.
Hay đối với con dê, ông Châu chỉ duy trì đàn trên 30 con vì không có công chăm sóc và cắt cỏ, nhưng giá trị kinh tế cũng khá cao, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Hiện thị trường tiêu thụ nhung hươu, thịt lợn, thịt dê hay mật ong ở Cúc Phương rất rộng, tất cả đều được thương lái tới tận nhà đặt trước và mua khi đã thành phẩm với giá cao và ổn định - ông Châu khẳng định.
Sau nhiều năm chăn nuôi các con nuôi truyền thống và đặc sản, trồng các cây công nghiệp như keo, mía, cơ ngơi nhà ông Châu khiến ai cũng mơ ước: Ngôi nhà gỗ tiền tỷ rộng rãi, hiện đại; vườn lan quý hiếm hàng trăm giò treo trước sân; rất nhiều cây ăn quả lưu niên quanh nhà; chuồng chăn nuôi được xây dựng, phân khu xa nơi sinh hoạt gia đình… tạo không gian sống rất thoáng mát, thoải mái và yên bình.
"Giờ không còn trẻ, khỏe nữa nên tôi cũng tính đã đến lúc phải nghỉ ngơi thôi. Làm được gì thì làm, còn lại tôi chuyển giao cho con trai, con dâu để chúng nó tính toán và tự làm" - ông Châu tâm sự như vậy.
Nhưng rồi ngồi trò chuyện chưa hết ấm trà, ông đã lại thấp thỏm vì đã đến giờ kiểm tra lại đàn ong lấy mật, cho đàn dê, đàn lợn ăn. Hiện gia đình ông Châu vẫn nuôi khá nhiều loại con với số lượng không ít: 5 con hươu, 5 con trâu, đàn dê hơn 30 con, gần 200 con lợn các loại (lợn rừng và lợn lai), 33 đàn ong; trồng và chăm sóc 10 ha keo, 2 ha mía.
Ngoài ra, gia đình ông Châu còn kinh doanh cám các loại và làm dịch vụ xay xát lúa gạo phục vụ cho hầu hết bà con nhân dân trong xã Cúc Phương. Tổng nguồn thu từ chăn nuôi và làm dịch vụ mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.
Với sự nỗ lực của mình, ông Đinh Minh Châu đã được tặng 3 Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của Hội Nông dân, Hội CCB tỉnh, UBND huyện Nho Quan về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua phát triển kinh tế của Hội nông dân các cấp.
Theo ông Đinh Văn Bản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cúc Phương, những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đạt được những kết quả đáng mừng. Nổi bật là các hội viên đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển cây công nghiệp phù hợp với điều kiện địa lý, đất đai và chăn nuôi các con nuôi cho giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân khắc phục điều kiện thời tiết khô hạn chuyển dần những cây trồng không hiệu quả như lúa, ngô, sắn sang trồng mía, keo cho hiệu quả cao hơn và chủ động các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có hơn 200 ha mía.
Hàng năm, Hội Nông dân xã phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thu hút trên 75% hội viên đăng ký tham gia. Từ đó xuất hiện những mô hình mới gồm chăn nuôi và trồng cây công nghiệp và nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm vẫn được duy trì hiệu quả.
Toàn hội có gần 570 hội viên, trong đó hơn 100 hộ có thu nhập từ trăm triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như các mô hình chăn nuôi tổng hợp hiệu quả của ông Thi, ông Nuôi, thôn Sấm 3; ông Châu, ông Chiến, thôn Sấm 2; ông Đồi, ông Thống, thôn Sấm 1; ông Việt, chị Tuyết, thôn Bãi Cả; ông Thuận, ông Canh, ông Mộng, thôn Nga 3; anh Hóa, thôn Đồng Tâm; ông Lặng, thôn Đồng Bót…
Để phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững lan tỏa rộng rãi và tạo điều kiện cho nhiều hội viên được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn các chi hội bình xét thẩm định cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo và hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế.
Đến hết tháng 6, số dư nợ của Ngân hàng CSXH đạt trên 4,4 tỷ đồng, cho 265 lượt hộ vay ở 4 tổ vay vốn; trong đó cho vay hộ nghèo trên 400 triệu đồng, hộ cận nghèo gần 700 triệu đồng, vay HSSV là 970 triệu đồng, vay sản xuất, kinh doanh gần 1,5 tỷ đồng, còn lại vay sử dụng các mục đích khác như xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường…
Cùng với đó, các hội viên nông dân có điều kiện về kinh tế cũng đã có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ hội viên, như bán giống con nuôi khi nào nuôi lớn xuất bán mới thu tiền, chuyển giao KHKT miễn phí cho các hộ nuôi mới, giới thiệu khách hàng để bán sản phẩm…
Có thể nói, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của hội viên nông dân xã Cúc Phương đã tạo động lực, làm thay đổi nhận thức và hành động của đông đảo hội viên nông dân trong xã, từ đó nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hiện, tỷ lệ hội viên nông dân khá và giàu chiếm gần 60%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (đa chiều) còn khoảng 15%. Cuộc sống của những hội viên nông dân dân tộc Mường xã Cúc Phương đang ngày càng đổi thay, khởi sắc.
Bài, ảnh: Hạnh Chi