Dấu ấn cư dân Việt cổ
Tại khu di tích, bảo tồn rộng 6.226 ha thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới hiện có nhiều cư dân sinh sống tại một số làng, xóm nhỏ. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp, thêu ren, chế tác đá, xây dựng, làm hướng dẫn viên, chụp ảnh, chèo đò, kinh doanh homestay. Theo hồ sơ, tài liệu khảo cổ thì mảnh đất Tràng An từng là nơi sinh sống của cư dân Việt cổ cách đây hơn 30.000 năm trước.
Ngước lên trời xanh, từng đàn chim én chao lượn, báo hiệu mùa xuân tới, khiến chúng tôi tất tưởi tìm về miền di sản Tràng An để trải nghiệm Xuân về, Tết đến. Cụ Chu Văn Thim, 80 tuổi, trông giữ đền Thái Vi cho biết: Mảnh đất có đền Thái Vi là nơi "Quần sơn hội tụ" nằm trong vùng lõi di sản Tràng An, thuộc làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Nơi đây vua Trần Thái Tông đã chọn làm căn cứ kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông và tu hành vào thế kỷ thứ XIII. Đền Thái Vi được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Đầu năm mới, làng tế lễ khai xuân. Tục xưa khai xuân, làng gọi là Lễ Phát Lác. Lễ có hoa quả, mâm xôi, thủ lợn, cháo lòng. Lễ xong làng chọn một vị cao niên nhất, đông con nhiều cháu nhất, làm ăn cẩn thận nhất để xô quèn khai xuân (xô quèn là vào rừng, lên núi kiếm củi cho cả làng trong năm mới được may mắn, công việc hanh thông, thuận lợi). Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là di sản thế giới, tục xô quèn khai xuân của làng không còn nặng nề như trước. Người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, núi đá, bảo vệ cảnh quan sông nước. Nhiều hộ chuyển sang làm du lịch, kinh doanh homestay. Cụ Chu Văn Thim biết chơi nhiều loại nhạc cụ như: đàn bầu, nhị, kèn tàu, sáo trúc... nhiều khi cụ cũng tham gia phục vụ "Free" cho du khách.
Đi sâu vào vùng lõi Di sản Tràng An, chúng tôi bị cuốn hút hơn bởi hầu hết tháp Karst được che phủ bằng những thảm rừng xanh biếc, bao bọc quanh các đầm lầy thông với sông, ngòi xuyên ngầm khuất khúc, nước bạc lấp lánh, tạo nên một thế giới tự nhiên sống động. Trong đó, khu rừng văn hóa lịch sử được coi là điển hình của rừng trên núi đá có nhiều hang động đẹp như: Hang Bụt, hang Sinh Dược, động Vái Giời, động Tiên Cá... Quyến rũ hơn là bằng chứng về quá trình thích ứng của người Việt cổ với điều kiện biến đổi môi trường sống. Tại đây, hàng chục di tích khảo cổ thời tiền sử được phát hiện. Nhiều di tích cho thấy người Tràng An cổ xưa biết sử dụng đá làm công cụ lao động, biết làm đồ gốm phục vụ cuộc sống, tạo nên một nền văn hóa đặc sắc. Nơi đây còn là kho tàng lịch sử của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Quang cảnh Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Nét văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn tạo cho miền Di sản Tràng An hình thành nhiều tour du lịch sông nước, du lịch hang động, đền chùa trầm mặc nổi tiếng linh thiêng. Chị Trần Thị Sứu, lái đò tại bến thuyền Tràng An cho biết: Riêng Khu du lịch sinh thái Tràng An có ba tuyến du lịch. Du khách được tham quan nhiều điểm hang động, điểm tâm linh như đền Trần, đền Trình, Phủ Khống, đền thờ Thánh Cao Sơn, phim trường, hang Đột dài hơn 1.000 m, có nhiều nhũ đá... Theo chị Sửu, dịp Tết khách du lịch đến Tràng An đông lắm. Từ ngày 25 đến 26/12 âm lịch, nhiều người chở đò ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã rục rịch gói bánh chưng, ăn lễ tất niên bên nội, bên ngoại. Đến mùng một, mùng hai Tết là hối hả chèo đò, ăn Tết cùng non cao, nước biếc để phục vụ du khách tham quan Tràng An, thăm dấu tích người Việt cổ; tham dự Lễ hội chùa Bái Đính, khai mạc vào ngày mùng sáu Tết. Đây là lễ hội mở đầu cho nhiều lễ hội khác trong năm ở miền di sản Tràng An. Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được hàng trăm triệu lượt khách du lịch biết đến với nhiều kỷ lục xác lập tại Việt Nam và Châu á. Theo tập tục của người dân địa phương, phần lễ của Lễ hội chùa Bái Đính rất uy nghiêm. Sau hồi chuông vọng vào vách núi là lễ dâng hương niệm Phật cầu gia hộ; lễ cử hành trống, chiêng khai hội; lễ tế rước kiệu thần Cao Sơn... Phần hội chùa Bái Đính thì có nhiều trò chơi dân gian và các chương trình văn hóa nghệ thuật. Có năm, hội chùa Bái Đính tái hiện cả lễ đăng đàn xã tắc của vua Đinh Tiên Hoàng, lễ tế cờ của vua Quang Trung trước khi kéo quân về Thăng Long, làm nên nét riêng của Lễ hội.
Chung tay giữ gìn di sản
Nhiều du khách tham quan miền Di sản Tràng An đều có chung một cảm nhận: Thiên nhiên ở đây tuyệt đẹp, hang động hấp dẫn, người Tràng An thân thiện, gần gũi, dễ mến, xứng danh là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đó cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đưa Ninh Bình là một vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh khác hấp dẫn như: Rừng quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long... trở thành trung tâm du lịch lớn của đất nước. Năm 2018, minh chứng là ngành du lịch Ninh Bình đã thu hút được hơn 7,3 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Du lịch phát triển, hàng nghìn lao động tại địa phương có việc làm. Ông Ngô Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn cho biết: Di sản Tràng An, trong đó có chùa Bái Đính thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm đã giúp 99% số hộ dân trong xã Gia Sinh được hưởng lợi nhờ tham gia các loại hình dịch vụ. Đến nay, Gia Sinh đã thoát khỏi danh sách là một trong bốn xã nghèo trọng điểm ở vùng hữu sông Hoàng Long. Khi mùa Xuân về, người dân trong miền di sản không còn thiếu sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, hương quất nồng nàn tỏa đi khắp nơi. Mọi người ai ai cũng háo hức đón chào năm mới, đón Tết cổ truyền. Trước Tết, những hộ làm homestay tấp nập sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc mới để đón khách du lịch trong dịp Tết.
Được biết, để giữ vững danh hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản; đồng thời tỉnh đã ban hành kế hoạch quản lý quần thể Di sản Tràng An giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; ngành Du lịch của tỉnh còn thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý di sản; chủ động phối hợp quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật của Di sản Tràng An, gắn với các sự kiện trọng đại của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), Lễ hội Trường Yên; Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quốc gia- Ninh Bình năm 2018. Tuy nhiên, với hàng nghìn người dân sinh sống trong vùng di sản Tràng An đang đặt ra những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý cho ngành Du lịch. Khó khăn nữa là nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ xã, huyện về bảo vệ di sản, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong các hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch còn hạn chế. Điều đó dẫn đến tình trạng một số vụ việc xâm hại Di sản Tràng An chậm được phát hiện; hoặc xử lý chưa kịp thời. Điều đó đòi hỏi tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản Tràng An, để vùng đất này mãi để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách và người dân đất Cố đô mỗi độ mùa xuân về.
Lê Hồng