Phóng viên (P.V): Đã có nhiều năm gắn bó với tiếng Nga, đất nước Nga trong suy nghĩ của ông như thế nào?
Ông Trần Viết Kỉnh (Ông TVK): Trong suy nghĩ của tôi, nước Nga thật đẹp với những cánh rừng Taiga, những hàng bạch dương, những đồng cỏ, những thảo nguyên xanh ngút. Con người Nga đôn hậu, thật thà nhưng rất kiên cường, bất khuất trong chiến đấu. Và mỗi lần nghĩ về nước Nga tôi lại thấy có một chút tự hào. Đó là đất nước của những con người đã làm nên Cách mạng tháng Mười vĩ đại đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã biết đến nước Nga qua các trang văn học, qua các bài hát đã đi cùng năm tháng như Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Cachiusa, Tình ca du mục… Tốt nghiệp THPT, tôi đã chọn Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, khoa tiếng Nga để theo học. Trong thời gian học, ngoài việc không ngừng học tập để nâng cao trình độ tiếng Nga tôi đã từng dành rất nhiều buổi chiều trên thư viện để say sưa với các tác phẩm văn học Nga như "Thép đã tôi thế đấy" của Ôxtơropki, "Sông Đông êm đềm" của Sôlôkhôp hay đọc đi đọc lại bài "Đợi anh về" của Ximônôp… Đó là cách để tôi nâng cao hơn nữa trình độ tiếng Nga của mình trong học tập cũng như giảng dạy.
P.V: Ông đã từng được đặt chân lên nước Nga xinh đẹp?
Ông TVK: Tôi đã từng một lần được sống trên đất nước Nga. Đó là vào mùa thu năm 1985, năm cuối cùng của đại học khi lớp đi thực tập tiếng. Tôi được sinh sống và học tập tại Thành phố Xanh-Petecbua, một thành phố xinh đẹp nổi tiếng của nước Nga với những công trình nổi tiếng thế giới như nhà thờ thánh Isaac, Bảo tàng cung điện mùa hè, bảo tàng cung điện mùa đông… Xanh- Petecbua có 2 công viên lớn trong đó có công viên Hoàng gia, được xây dựng năm 1905, như một biểu trưng của vương triều Nga. Nhưng chính nơi đây đã xảy ra biến cố Ngày Chủ nhật đẫm máu khi hàng nghìn công nhân biểu tình dâng kiến nghị với Nga Hoàng Nicolas II đã bị binh sĩ nổ súng, tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng Tháng mười Nga 1917. Xanh-Petecbua còn có Viện Smolny do Nữ hoàng Catherine xây năm 1700 để làm Trường nội trú cho con em giới quý tộc. Khi Cách mạng tháng Mười thành công, nơi đây là trụ sở chính phủ Xô-viết đầu tiên. Tôi rất tự hào khi được học tập ở một thành phố gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Muời Nga vĩ đại như thế. Có thể nói, những tháng ngày học tập trên mảnh đất Nga đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng không thể nào quên và nuôi dưỡng trong tôi không chỉ lòng yêu tiếng Nga mà còn là tình yêu đất nước, con người Nga, yêu văn hóa Nga. Và tôi hiểu rằng, muốn học tốt một thứ tiếng nào đấy cần hiểu sâu về nền văn hóa, về lịch sử của đất nước đó. Đối với nước Nga, càng khám phá tôi càng thấy thú vị. Và điều đó sau này tôi đã truyền lại cho các thế hệ học sinh của mình để các em học tiếng Nga tốt hơn…
P.V: Để truyền cảm hứng cho các em học sinh với môn tiếng Nga, ông đã có những phương pháp giảng dạy như thế nào?
Ông TVK: Tiếng Nga cũng như các môn ngoại ngữ khác, muốn học tốt trước hết cần sự chăm chỉ. Ngoài ra, để giúp các em học tốt tiếng Nga tôi thường xuyên lên mạng sưu tầm những bài viết về đất nước, con người Nga bằng tiếng Nga để các em học sinh có thể hiểu một cách sâu sắc về ngôn ngữ mà mình theo học. Cách học này giúp các em học sinh tiếp thu nhanh, đồng thời tạo nhiều hứng khởi cho học sinh. Tôi cũng luôn cố gắng để các em có điều kiện tham gia các dạ hội tiếng Nga được tổ chức hàng năm tại trường nhân các sự kiện lớn như kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga, kỷ niệm ngày sinh Lê-nin… Các em học sinh rất hào hứng tham gia các hoạt động này. Tôi cũng thường xuyên khuyến khích các em học tiếng Nga thông qua các bài hát Nga…
P.V: Theo ông, thế hệ trẻ hôm nay cần phải làm gì để viết tiếp những trang sử chói ngời của Cách mạng tháng Mười ?
Ông TVK: Thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình, được hưởng thụ cuộc sống khá đầy đủ về vật chất, vì thế để ngọn lửa Cách mạng tháng Mười luôn sáng mãi, mỗi người trẻ cần phải xây dựng và nuôi dưỡng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, vì quê hương, đất nước. Đó sẽ là động lực để mỗi bạn trẻ xác định được mục đích đúng đắn trong từng hành động, không sa vào các tệ nạn xã hội, không sống buông thả. Để lý tưởng trở thành hiện thực, mỗi bạn trẻ cần không ngừng học tập, tu dưỡng để có một nền tảng kiến thức sâu rộng cả về văn hóa và lịch sử cũng như một nhãn quan chính trị đúng đắn trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Quỳnh Thu (Thực hiện)