Đã hơn chục năm làm nghề chụp ảnh dạo tại các điểm di tích trên địa bàn xã Trường Yên, nhưng chưa khi nào chị Luật (xã Trường Yên) lại thấy khó kiếm sống bằng nghề như hiện nay. Mặc cho trời nắng hay trời mưa, thậm chí những ngày mưa phùn như thế này chị Luật và các "đồng nghiệp" đều kiên trì ra Đền Đinh-Lê chờ khách. Chị Luật bảo, thực ra thì nghề chụp ảnh cũng có một thời hoàng kim, chứ không phải thời nào cũng khó như thế này. Nhớ lại trước đây, khi mà những chiếc máy ảnh cơ chụp bằng phim là chủ yếu, phải người có điều kiện lắm mới dám bỏ tiền mua một chiếc. Thành thử ra thợ chụp ảnh ở đây cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà khách tham quan thì lại càng ít tự trang bị được máy ảnh riêng. Bởi vậy, nên vào mùa du lịch thì thợ ảnh làm không hết việc. Khách địa phương, hay khách tỉnh ngoài khi đến chiêm bái Đền đều muốn chụp ảnh để làm kỷ niệm. Rồi các đoàn tham quan cũng vậy, một bức ảnh tập thể, mỗi thành viên trong đoàn lại có nhu cầu rửa bấy nhiêu kiểu ảnh, chưa kể chụp riêng cá nhân từng người và mỗi ngày chỉ cần gặp một đoàn khách đông là thấy vui lắm rồi. "Nghề chụp ảnh này đặc biệt lắm. Khi xã hội càng phát triển thì nghề lại khó kiếm sống. Có khi lang thang cả ngày cũng chẳng có khách chụp một "pô" nào"- chị Luật nói.
Chị Luật kể rằng, chỉ tính riêng xã Trường Yên, hành nghề ở Đền Đinh Lê thôi cũng đã có 3 tổ thợ ảnh, mỗi tổ có 15 thợ ảnh. Trước đây, người chụp ảnh thường là nam giới, nhưng bây giờ nữ giới lại chiếm số đông. Quan sát các tổ thợ ảnh làm nghề, thì chỉ một vài người là nam giới. Tuy lượng khách đến với điểm du lịch không đều, lúc vắng, lúc đông trong khi đó lượng thợ ảnh lại đông nhưng cảm nhận của người viết thì mọi người làm nghề rất có ý thức và tuân theo trật tự. Không có cảnh tranh giành khách, mà chỉ có những lời hỏi thăm nhau chân tình của những người cùng làm nghề và ai cũng mong muốn cả đội sẽ có một ngày làm việc thật đông khách.
Cô Thìn có lẽ là một trong những thợ ảnh cao tuổi nhất trong những người chụp ảnh tại khu di tích lịch sử Đinh-Lê. Năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng cô Thìn vẫn đeo đuổi với nghề chụp ảnh. Cô Thìn bảo, trước đây gia đình cô chỉ làm ruộng thôi nên cuộc sống vất vả lắm. Những lúc nông nhàn, chồng đi xây thì vợ cũng theo mà phụ hồ kiếm công mà trang trải cuộc sống. Thế nhưng từ khi du lịch ở địa phương phát triển thì cô cũng theo các chị em trong xã đi học thêm nghề chụp ảnh để làm nghề mỗi lúc nông nhàn. Gọi là làm vào lúc nông nhàn, nhưng nguồn thu từ nghề thợ ảnh lại là thu nhập chính của gia đình, nhờ đó cuộc sống đỡ chật vật hơn. "Nhưng bây giờ thì làm nghề khó khăn nhiều rồi. Phải thật sự kiên trì thì mới bám trụ được với nghề này. Mỗi ngày đi làm mà chẳng khác gì đi… câu. Có hôm vắng khách thì các thành viên trong tổ chỉ biết ngồi tán gẫu với nhau thôi. Cũng có hôm gặp may thì cũng kiếm được cả trăm ngàn tiền ảnh. Nhưng những ngày đó thì hiếm lắm, tùy cái "duyên" của mỗi người thôi"- cô Thìn cười buồn.
Chia sẻ về nghề chụp ảnh dạo, cô Thìn bảo, thực ra, cầm máy ảnh nhiều năm rồi nên tâm hồn cũng nghệ sĩ lắm. Thấy cái đẹp là chẳng cầm lòng được, bắt gặp khoảnh khắc đẹp là phải chụp ảnh luôn rồi hỏi ý kiến khách sau. Có khách thì vì ưng ý cái khoảnh khắc khi chụp mà lấy ảnh, có khách cũng vì quý tấm lòng người chụp mà lấy ảnh, nhưng cũng có khách không lấy ảnh, lúc này có thể ảnh hưởng đến thu nhập đấy, nhưng cũng không sao cả. "Chụp ảnh cho khách du lịch nhưng chúng tôi cũng là người dân của địa phương, bởi vậy những thành viên trong tổ chụp ảnh đều tự ý thức được trách nhiệm, sự văn minh của một người chủ nhà đối với khách tới tham quan"- cô Thìn nói. Nói thêm về những gian nan trong nghề, cô Thìn chia sẻ: Thời buổi của công nghệ kỹ thuật số, ai cũng sắm cho mình chiếc điện thoại di động với đầy đủ chức năng chụp ảnh, quay phim. Khách cũng thích tự chụp để đăng tải trên trang facebook cá nhân. Ngoài ra, nhiều khách còn trang bị máy ảnh mini để thuận tiện cho việc lưu giữ lại sự kỳ thú của thiên nhiên. Chính vì vậy các đoàn khách đến tham quan chủ yếu tự chụp cho nhau là chính chứ họ không chụp ảnh của thợ. Mà ngay cả khi khách đồng ý chụp rồi cũng vẫn còn những rủi ro khách quan như: có thể máy rửa ảnh trục trặc hoặc xe hỏng dọc đường… nên mang ảnh đến chậm một chút nhưng khách hàng đã đi mất rồi. Không trả được ảnh đồng nghĩa với tiền không lấy được, hôm đó thì coi như là… đen đủi.
Nguyễn Hùng