Sự lạc quan của người phụ nữ nghèo ấy khiến chúng tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng. Chị Loan nói, bây giờ chị vẫn phải đi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh 2 lần/tuần. Có bảo hiểm y tế hộ nghèo, song chi phí đi lại, ăn uống trong ngày chạy thận cũng khá lớn. Sức khỏe kém, nên ngoài sào ruộng chị chỉ biết tăng thu nhập từ nghề đan bèo bồng. "Ăn với tiêu thôi thì tằn tiện sao cũng được. Nhưng chỉ lo cho tương lai con bé (con gái chị). Năm nay cháu học lớp 5 rồi, còn cả một chặng đường tương lai trước mắt. Dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố gắng động viên con chăm chỉ học hành. May mắn cho tôi là hơn 1 năm trước, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng cho con bò sinh sản. Chăm bẵm cẩn thận, đến nay con bò đã chuẩn bị đẻ lứa đầu. Tuy chưa cho lãi song hy vọng thời gian tới mẹ con tôi sẽ thoát nghèo nhờ có những bê con"- chị Loan chia sẻ.
Chị Lại Thị Thúy ở thôn Đanh, xã Yên Thành (Yên Mô) cũng là hộ may mắn được nhận hỗ trợ bò từ Dự án Ngân hàng bò của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hoàn cảnh của chị Thúy cũng rất đặc biệt, chồng mất cách đây cả chục năm, để lại cho chị 6 đứa con. Để chăm lo cho các con đến trường, chị Thúy không nề hà việc gì. Ngoài cấy hơn mẫu ruộng, chị mò cua, bắt ốc và đi làm thuê. "6 đứa con tôi thì có hai cháu đã lập gia đình, một cháu vừa tốt nghiệp đại học, còn lại 3 cháu đang học THPT. Chăm chỉ, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ nuôi con ăn, còn tiền học thì nhiều khi "bí" lắm. Khi được Hội Chữ thập đỏ tặng bò, mẹ con tôi rất vui và bố trí nhân lực để chăm sóc tốt nhất. Đến nay, con bò đang chuẩn bị đẻ lứa thứ hai. Số tiền bán bê sẽ được dành để chăm lo việc học cho các cháu"- chị Thúy nói.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, Dự án "Ngân hàng bò" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2010, nhưng ở Ninh Bình mới triển khai vài năm gần đây do trước đó tỉnh ta được nhận hỗ trợ từ Tập đoàn Vingroup hàng nghìn con bò. Để dự án phát huy đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng, việc bình xét các hộ dân được triển khai nghiêm túc, có tình, có lý. Trong đó, ưu tiên cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trước. Sau khi nhận bò, Ban quản lý dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Mặc dù mới được triển khai, song những thành quả của "ngân hàng bò" đặc biệt đang nhân lên niềm vui, niềm hy vọng cho các hộ nghèo.
Cùng với hoạt động trao tặng bò cho hộ nghèo, trong thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo". Theo đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động bằng nhiều hình thức, đồng thời triển khai đến các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh và các tình nguyện viên. Hội cũng thực hiện tốt công tác khảo sát các địa chỉ nhân đạo cần giúp đỡ để có sự hỗ trợ kịp thời. Đến nay, hầu hết các hội cơ sở đều xây dựng tập hồ sơ địa chỉ nhân đạo để làm cơ sở kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đối tượng. Tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã có 120 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ thường xuyên, trong đó riêng kênh truyền hình Let's Việt tại tỉnh Ninh Bình nhận hỗ trợ 19 địa chỉ nhân đạo với tổng số tiền trên 229 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ thường xuyên đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng các hình thức như: Tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ thường xuyên hàng tháng bằng tiền, lương thực, thực phẩm; hỗ trợ kinh phí chữa bệnh; hỗ trợ bò sinh sản, tặng xe lăn, xe đạp, hỗ trợ vốn sản xuất… Sự hỗ trợ thiết thực ấy đã tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguyễn Hùng