Theo Thông tư số 30, ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế, kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự. Theo đó, điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo: đủ nước sạch, có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống, người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, đội mũ khi bán hàng, không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60 cm, thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh, có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố… Với những quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ theo Thông tư 30 của Bộ y tế thì hầu hết các quán ăn trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều không đạt tiêu chuẩn VSATTP. Dạo một vòng quanh những con phố lớn trên địa bàn thành phố Ninh Bình, đặc biệt những con đường gần trường học, khu chợ, nơi buôn bán sầm uất đều dễ dàng bắt gặp những quán ăn đường phố, vỉa hè, bán đủ các loại thức ăn, từ bún trộn, bún đậu, bánh rán, phở các loại đến các món ăn vặt như ốc luộc, các loại thịt nướng, rau nộm, chè các loại, hoa quả dầm, nước mía...
Những đồ ăn này hầu hết đã được nấu chín hoặc chế biến xong, để sẵn trong các bát, xoong nhôm hoặc chậu nhựa, xếp thành hàng trong các quầy hàng. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đa số được chủ quán thực hiện bằng tay trần, bát đũa dùng xong được ném vào một góc hoặc lau rửa rất qua loa, khăn lau tay chung với khăn lau bát đũa…
Tại một quán ăn vỉa hè phục vụ món bún-chả đa nem kiêm món bánh xèo tại phố 9, phường Vân Giang, thức ăn dầu mỡ được chủ quán chiên đi chiên lại có màu vàng đậm, người bán hàng dùng tay trần cắt nem, cắt bún, bốc rau sống, múc nước mắm liên tục vì khá đông khách hàng là chị em phụ nữ và học sinh, sinh viên rủ nhau thưởng thức món ăn vặt buổi chiều. Bát đĩa ăn xong được rửa qua loa bằng hai thùng nước-một thùng để rửa và một thùng để tráng, sau đó lau khô bằng một chiếc khăn vừa dùng lau tay cho người bốc thức ăn vừa lau bát đũa vừa rửa.
Điều kiện vệ sinh môi trường cũng không khá hơn, bên ngoài là chảo mỡ rán khét lẹt, thức ăn vớt ra để trong rổ rá ngay cạnh đường đi lối lại. Cách không xa là các bàn ăn của khách với giấy lau rẻ tiền lẫn với thức ăn do khách làm rơi vãi vứt đầy dưới chân bàn, nhìn khá bẩn và nhếch nhác. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, các điều kiện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không hề đảm bảo, nhưng vẫn khá đông người đến ăn, các bàn lúc nào cũng chật cứng người ăn, dù quán được thuê bán thời gian với diện tích chỉ khoảng hơn chục m2.
Theo ý kiến của một vị đại diện ngành y tế tỉnh, hiện nay, các quán ăn đường phố, vỉa hè có thể mở tự phát ở bất kỳ khu phố, địa điểm nào mà họ thấy tiện lợi, có thể bán được hàng mà không cần xin phép các cơ quan chức năng. Không chỉ riêng nỗi lo nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn bày bán ở lề đường, vỉa hè còn chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết cũng như những yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu…, do đó tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Việc quản lý càng khó, bởi đa phần các quán bán hàng này được mở vào thời điểm sau giờ hành chính, phục vụ cho đối tượng khách hàng ăn tạm, ăn nhanh hoặc tụ tập nhậu nhẹt. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất trong công tác đảm bảo VSATTP đối với thức ăn đường phố chính là do ý thức kém và chủ quan của cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì người tiêu dùng lại tỏ ra đơn giản, dễ dãi, không quan tâm lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Thiết nghĩ, để bảo đảm VSATTP cho thức ăn đường phố, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, việc quan trọng nhất là ý thức tự giác, trách nhiệm và có đạo đức của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần là người thông thái, tự trang bị cho mình và người thân những kiến thức VSATTP, nói không với những quán ăn đường phố không đảm bảo các điều kiện vệ sinh.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời những quán ăn đường phố không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện VSATTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Hạnh Chi