Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Ninh Bình là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng ba, với nhiệm vụ được giao điều dưỡng cho các đối tượng chính sách ưu đãi xã hội như hưu trí, mất sức, thương bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; người hưởng chế độ do nhiễm chất độc hóa học...; khám, chẩn đoán, điều trị PHCN cho mọi đối tượng bị bệnh cấp hoặc mạn tính, khiếm khuyết, khuyết tật vận động, mắc bệnh nghề nghiệp... Tuy nhiên, những năm gần đây, Bệnh viện còn được biết đến là nơi tin cậy, phục hồi hiệu quả cho những trẻ không may mắc phải bệnh bại não. Bệnh viện đã áp dụng liệu pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng, giúp nâng cao mức độ, cải thiện tốt nhất sức khỏe, trí tuệ cho những trẻ mắc bệnh bại não, được bệnh nhân và gia đình người bệnh ghi nhận.
Ròng rã gần 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Văn Phú (Nho Quan) đều đặn cho con đến Bệnh viện PHCN Ninh Bình để điều trị phục hồi và vui mừng nhận thấy theo thời gian con có những cải thiện tốt về cả sức khỏe và trí tuệ. Chị Thủy cho biết, con chị sinh ra được 10 tháng nhưng không biết lật, đi khám được chẩn đoán bị bại não, khó có khả năng cầm nắm và đi lại bình thường nếu không kiên trì điều trị. Khi biết Bệnh viện Phục hồi chức năng Ninh Bình có tổ chức điều trị PHCN cho trẻ bại não, chị đăng ký cho con điều trị. Gần 2 năm nay, không quản nắng, mưa, hàng ngày chị đều đặn cho con xuống bệnh viện chữa bệnh. Từ không biết lẫy, biết bò, cũng không biết ngồi, cổ rủ, lưng yếu, qua quá trình được bác sĩ hướng dẫn tập luyện, PHCN, hiện cháu đã biết ngồi vững, bò nhanh, đứng vịn được và bập bẹ gọi mẹ.
Chị Lê Thị Vân, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện phục hồi chức năng Ninh Bình cho biết: Hiện nay, vẫn còn một phần tỷ lệ trẻ sinh ra mắc chứng bại não. Mỗi trẻ mắc bệnh bại não đến điều trị tại Bệnh viện đều do một hay nhiều nguyên nhân khác nhau trước, trong và sau khi sinh, trong đó chủ yếu là do sinh non, nhiễm rubella, đa thai, có sự can thiệp trong lúc sinh... Phần lớn trẻ mắc chứng bại não có bất thường về vận động, giác quan, tâm thần và hành vi; tuy nhiên, nếu được điều trị phục hồi chức năng sớm, phần lớn số trẻ này có thể cải thiện đáng kể được tình trạng bệnh, giảm gánh nặng cho bản thân và gia đình.
Theo bác sĩ CK II Trần Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện PHCN Ninh Bình, tại Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho từ 35 - 40 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi mắc các chứng bệnh bại não. Trong năm 2018, Bệnh viện đã điều trị cho trên 300 lượt bệnh nhân mắc bệnh và cho thấy có hiệu quả rất tốt. Bệnh viện hiện có trên 70 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có 16 bác sĩ, 21 điều dưỡng, 7 kỹ thuật viên y và vài chục cán bộ khác. Khi điều trị bệnh bại não, các y, bác sỹ và kĩ thuật viên được học tập bài bản, có kinh nghiệm và tận tâm với nghề, bệnh nhân được hướng dẫn tỉ mỉ từng phương pháp tập, hỗ trợ vận động kết hợp cùng gia đình. Đồng thời động viên gia đình, việc tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được.
Cùng với đó, Bệnh viện cũng đầu tư trang thiết bị và triển khai nhiều liệu pháp phục hồi chức năng giúp trẻ phục hồi các chức năng vận động như ngồi, tập, vịn, đi men, tập đi (gọi là hỗ trợ điều trị liệt), hạn chế khiếm khuyết, khuyết tật, phục hồi chức năng nghe, nói, giao tiếp, cải thiện và tăng cường trí nhớ. Đặc biệt, căn cứ vào tình trạng bệnh, sức khỏe của mỗi trẻ mà các y bác sĩ, kỹ thuật viên có bài tập riêng cho từng đối tượng để đảm bảo hiệu quả. Đồng thời trong quá trình tập luyện, linh động cho trẻ tập theo nhóm để trẻ vừa tập, vừa được chơi với bạn bè, qua đó sớm hội nhập với các bạn đồng lứa. Hơn nữa, sự đồng thuận, việc phối kết hợp của gia đình, người chăm sóc trẻ có vai trò quan trọng quyết định phần lớn sự thành công trong điều trị cho trẻ bị bệnh. Do đó, trong quá trình tập vận động, các y bác sĩ và kỹ thuật viên cũng hướng dẫn cho người nhà hiểu thêm về bệnh, nắm được các kiến thức cơ bản về kỹ năng thực hành, đồng hành cùng bệnh viện kiên trì tập luyện, vận động cho trẻ nhanh phục hồi, giảm sự lệ thuộc của trẻ vào người khác, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh