Ngày 8/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức nghe nói chuyện chuyên đề về công tác tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới các đồng chí lãnh đạo , chuyên viên, phóng viên, những người làm công tác tuyên giáo, tuyên truyền văn học - nghệ thuật của tỉnh. Đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chủ trì hội nghị; PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng phê bình lý luận văn học nghệ thuật Trung ương dự và trực tiếp truyền đạt nội dung chuyên đề.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh đã khẳng định đội ngũ làm công tác báo chí, tuyên giáo và các nhà văn, nhà thơ chính là những người tiên phong trong công tác tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội. Đồng chí khẳng định, với vai trò quan trọng đó, thời điểm hiện nay, nhân dân cả nước và cả thế giới đang rất quan tâm tới hoạt động quan trọng của đất nước ta đó là việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vì vậy cần tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta được thể hiện trong 11 chương, 124 điều của Dự thảo sửa đổi. Đặc biệt, 5 vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được dư luận quan tâm, có những bài viết phản biện lại quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, để từ đó hoàn thiện đạo luật tối cao của đất nước một cách phù hợp để phục vụ sự phát triển của đất nước...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp thu quan điểm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng phê bình lý luận văn học nghệ thuật Trung ương trong việc tuyên truyền sâu rộng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách toàn diện, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền của tỉnh sẽ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội để có sự đồng tình, nhất quán trong quá trình triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đặc biệt là những vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm, góp ý, để nhân dân vững tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Từ đó, các ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của nhân dân trong tỉnh sẽ có tính chính xác cao. Đối với Ninh Bình, trong thời gian qua các cấp, các ngành đã triển khai tốt việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo tinh thần hướng dẫn của Trung ương, tỉnh sẽ tổng kết báo cáo về việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định, đạt hiệu quả cao.
Hồng Vân