Theo thông báo của Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2018 là những người đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống các tội ác chiến tranh như vậy. Ông Mukwege (SN 1955, người Congo) đã cống hiến cuộc đời mình để bảo vệ nạn nhân của tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, cô Murad (SN 1993) là nhân chứng kể lại những vụ lạm dụng xảy ra với chính mình và cả những người khác. Ông Mukwege và cô Murad bằng cách của riêng mình đã giúp cộng đồng hiểu tường tận hơn về bạo lực tình dục trong chiến tranh, do đó những kẻ gây ra tội ác có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bác sĩ Mukwege đã dành nhiều thời gian trong sự nghiệp để giúp đỡ nạn nhân của bạo lực tình dục ở Congo. Kể từ khi bệnh viện Panzi được xây dựng tại TP Bukavu, phía đông Congo, năm 2008, ông Mukwege và nhân viên của mình đã điều trị cho hàng nghìn người bệnh là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp. Hầu hết các vụ lạm dụng xảy ra trong bối cảnh cuộc nội chiến kéo dài cướp đi sinh mạng của hơn sáu triệu người dân Congo. Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy đánh giá, ông Mukwege là biểu tượng tiên phong, thống nhất của Congo và quốc tế trong cuộc chiến chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Là thành viên của cộng đồng người Yazidi ở phía bắc Iraq, cô Murad sinh sống cùng gia đình tại ngôi làng hẻo lánh mang tên Kocho và bản thân cô cũng là nạn nhân của tội ác chiến tranh. Tháng 8-2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mở cuộc tấn công tàn bạo và có hệ thống nhằm vào các ngôi làng tại quận Sinjar, tỉnh Nineveh nhằm sát hại người Yazidi. Hậu quả là hàng trăm người đã bị IS thảm sát. Những phụ nữ trẻ tuổi, trong đó có trẻ vị thành niên, đã bị bắt cóc hoặc bắt giữ làm nô lệ tình dục. Khi làm tù nhân của IS, Murad nhiều lần bị biến thành đối tượng của các vụ cưỡng hiếp hoặc hứng chịu các hành vi ngược đãi khác.
Và Murad chỉ là một trong khoảng 3.000 bé gái và phụ nữ người Yazidi trở thành nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp và hành vi ngược đãi khác do các tay súng IS gây ra. Sau cơn ác mộng kéo dài ba tháng, Murad đã chạy thoát khỏi "địa ngục" này. Tuy nhiên, cô đã không giữ im lặng mà lựa chọn công khai kể cho thế giới biết những gì bản thân đã trải qua. Năm 2016, ở độ tuổi 23, cô Murad được lựa chọn là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc (LHQ). Năm nay đánh dấu 10 năm kể từ khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 1820 (vào năm 2008), trong đó xác định việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí trong chiến tranh và xung đột vũ trang cấu thành tội ác chiến tranh và là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế.
Với sự cống hiến và hy sinh của bác sĩ Mukwege và cô Murad, Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy khẳng định, cả hai người đều mạo hiểm sự an toàn của bản thân khi can đảm chống lại tội ác chiến tranh và tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh.
Theo Báo Nhân dân