Năm 2009, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Xuân Mược, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ…
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội, ước tính có tới 70% doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh; 50% doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 50% trở lên. Kéo theo đó thu nhập của người lao động cũng bị giảm đáng kể.
Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm do sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp vì vậy phải tự "co" lại, cắt giảm một số dự án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ bé, trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp, kế toán chưa bài bản, hồ sơ tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu nên khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều giải pháp kích cầu đã được các Ngân hàng và Cục Thuế tỉnh triển khai, với những chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế, các chương trình cho vay và hỗ trợ lãi vay, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Chế biến sản phẩm ở Nhà máy chế biến hạt điều (Kim Sơn).
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Quyết định 131. Đến nay đã có trên 4.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ lãi suất với số tiền trên 3,9 tỷ đồng.
Cùng với việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp, các ngân hàng còn triển khai hiệu quả Quyết định 14 nhằm tháo gỡ những khó khăn về điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trên địa bàn. Những hỗ trợ này đã giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trên địa bàn tỉnh có điều kiện mở rộng sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Ông Đinh Văn Trọng, Giám đốc Công ty xây dựng Xuân Đạt cho biết, năm 2008 là một năm thực sự khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là doanh nghiệp chuyên đấu thầu các công trình xây dựng nên Xuân Đạt có nhu cầu vay vốn lớn. Trong khi đó, việc thi công một số công trình gặp khó khăn do giá nguyên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động trong Công ty.
Năm 2009, Công ty có hợp đồng thi công một số công trình với mức đầu tư ban đầu cao. Do đó, nhu cầu vay vốn đối với doanh nghiệp cũng trở nên bức thiết. Những chính sách kích cầu của Chính phủ như hỗ trợ lãi suất, miễn thuế, giảm thuế… được thực hiện giai đoạn này thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi sẽ góp phần ổn định và nâng cao đời sống người lao động.
Cùng với những giải pháp kích cầu của Chính phủ đang được triển khai, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang nỗ lực hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Cũng theo ông Phạm Xuân Mược từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm giúp các thành viên trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đơn vị thường xuyên bám sát tổ chức Hội ở Trung ương, chuyên gia kinh tế để thu thập thông tin, định hướng cho doanh nghiệp tìm hướng đi phù hợp; tư vấn cho doanh nghiệp về thông tin thị trường, chính sách, pháp luật, kỹ năng quản trị. Đơn vị cũng phối hợp với các ngân hàng điều tra, thống kê nhu cầu vay vốn, bảo lãnh tín dụng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh đang tiếp tục cập nhật thông tin từ các doanh nghiệp để đánh giá mức độ khó khăn, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, phát triển kênh xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Trước mắt, Hiệp hội sẽ liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp ở các tỉnh để khai thác triệt để thị trường trong nước. Vừa qua, Hiệp hội đã tiến hành 3 đoàn khảo sát, qua đó tiến hành hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Ninh, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ Thành phố Hà Nội nhằm đưa hàng hóa của các doanh nghiệp Ninh Bình đi tiêu thụ, tập trung vào các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như cói, mây tre đan, thêu ren, may mặc và các dịch vụ về du lịch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn khuyến cáo các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự cứu mình là chính. Cùng với việc tranh thủ kịp thời và có hiệu quả sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp phải thật sự năng động, tích cực hơn trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nỗ lực duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế.
Quốc Khang-Đức Lam