Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong hoạt động tuyên truyền của Đài Truyền thanh huyện Hoa Lư trong những năm qua?
Đ/c Nguyễn Mạnh Hà: Năm 2018, công tác phát thanh - truyền thanh của Hoa Lư đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của huyện với 6/6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Trong năm, Đài Truyền thanh huyện Hoa Lư đã xây dựng được 341 chương trình phát thanh gốc, tăng 35 chương trình so với năm 2017, đạt 106,89% với kế hoạch. Nội dung các chương trình không ngừng được đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện. Trong các chương trình phát thanh, số tin có tiếng động chiếm từ 45% trở lên, 100% bài viết của phóng viên Đài sản xuất có tiếng động. Đơn vị đã tăng cường việc áp dụng các thể loại báo chí như: Phóng sự, phỏng vấn, ghi nhanh, khách mời phòng thu. Qua đó kịp thời phản ánh những hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương, đồng thời làm sinh động nội dung các chương trình phát thanh.
Việc duy trì tiếp phát sóng đài cấp trên được Đài Truyền thanh huyện Hoa Lư quan tâm thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, chất lượng các buổi tiếp sóng đều đảm bảo, không có sai sót. Trong năm 2018, tổng thời lượng tiếp, phát sóng của Đài huyện đạt 2.390 giờ, đạt 110,23% kế hoạch; trong đó, thời lượng tiếp sóng Đài Trung ương, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đạt 1.930 giờ, thời lượng phát sóng Đài huyện đạt 460 giờ.
PV: Trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại, Đài Truyền thanh Hoa Lư đã có sự đổi mới như thế nào để tạo được chỗ đứng riêng trong lòng người nghe?
Đ/c Nguyễn Mạnh Hà: Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới, tuyên truyền hiệu quả cho các đài truyền thanh huyện. Đổi mới đầu tiên, đó là Đài đã áp dụng công nghệ phát thanh hiện đại trong sản xuất, biên tập chương trình địa phương. 100% số chương trình phát thanh đều có tiếng động, trong đó số tin có tiếng động là 45%, 100% số bài viết của phóng viên có tiếng động. Cùng với đó, Đài Truyền thanh huyện tiếp tục đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung và cách thức thể hiện chương trình phát thanh hàng ngày, tạo sự hấp dẫn người nghe, như: Đổi mới trong xây dựng kết cấu chương trình phát thanh, giao định mức cụ thể tin bài có tiếng động, phản ánh ở vùng xa, vùng núi trên địa bàn huyện, sử dụng tin điện thoại, phỏng vấn qua điện thoại. Các thể loại phóng sự, bình luận… thường xuyên có trong các chương trình phát thanh. Đặc biệt, trong các đợt tuyên truyền phòng chống bão lụt, ngoài việc tăng thời lượng tiếp phát sóng đài cấp trên, biên tập viên của Đài đã liên lạc bằng điện thoại kết nối vào Mixer và máy tính tới lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, tin điện thoại của các cộng tác viên và phản ánh của phóng viên Đài huyện về tình hình mưa bão và công tác chỉ đạo, các biện pháp phòng chống tại các đơn vị, chỉ sau 5 phút đã biên tập xong chương trình để phát sóng. Qua việc tiếp âm của đài truyền thanh cơ sở, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện kịp thời nắm bắt diễn biến của mưa bão và công tác chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão lũ trên địa bàn. Đến thời điểm này, Hoa Lư là đơn vị duy nhất áp dụng cách thức này. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa và làm phong phú thêm chương trình phát thanh địa phương, Đài Truyền thanh huyện đã quan tâm xây dựng mạng lưới cộng tác viên góp thêm những ý tưởng, tin, bài phản ánh thực tiễn cuộc sống…
PV: Theo đồng chí, để thực sự trở thành cầu nối giữa "ý Đảng" với "lòng dân" thì Đài Truyền thanh huyện cần phải chú trọng những vấn đề gì?
Đ/c Nguyễn Mạnh Hà: Bên cạnh việc nỗ lực đổi mới toàn diện chất lượng các chương trình, một yếu tố quan trọng nữa để nâng cao chất lượng của Đài là hoàn thiện được hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Bởi lẽ, hệ thống truyền thanh ở cơ sở chính là "cánh tay nối dài", là điểm truyền tin cuối cùng đến với người dân. Với quan điểm đó, thời gian qua, Đài Truyền thanh Hoa Lư cũng có nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật cho đài truyền thanh xã, thị trấn trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện có 11 đài truyền thanh cơ sở quy mô toàn xã, thị trấn, trong đó 1 đài theo mô hình không dây, 10 đài hữu tuyến. Tổng công suất máy tăng âm theo lắp đặt 11.500W, có 63,5 km đường dây và 330 bộ loa công cộng lắp đặt ở 91 thôn, xóm trên địa bàn huyện.
Đài Truyền thanh huyện duy trì đều đặn việc giao ban với các đài cơ sở và định hướng tuyên truyền cho các đài cơ sở và cộng tác viên. Ngoài các hội nghị giao ban, Đài Truyền thanh huyện còn thường xuyên trao đổi nghiệp vụ chuyên môn về cách viết tin, bài, bố cục chương trình, sản xuất chương trình trên máy tính và việc khai thác vận hành hiệu quả, an toàn các trang thiết bị… Do vậy 100% các đài cơ sở đã thực hiện đúng và đủ về thời gian tiếp phát sóng đài cấp trên, với thời lượng đạt trung bình 4,5 giờ/ngày. Tổ kỹ thuật và cơ sở của Đài Truyền thanh huyện cũng luôn quan tâm chủ động hỗ trợ sửa chữa, khắc phục sự cố kỹ thuật máy tăng âm, các cụm loa, hệ thống đường dây.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của Đài Truyền thanh huyện, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các đài truyền thanh cơ sở đã chủ động trong việc chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào "xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", những thành tựu đạt được trên lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều đài truyền thanh ở cơ sở có các tin, bài viết nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong các hoạt động đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, phong trào trồng hoa, vệ sinh môi trường… Qua đó có tác dụng cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư về các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Hùng