Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2013, đến nay, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) vẫn duy trì và phát huy hiệu quả 19 tiêu chí nông thôn mới.
Đồng chí Phạm Minh Xanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường có tác động rất lớn đến đời sống nhân dân, do vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, năm 2015, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với nguồn ngân sách địa phương, Khánh Thiện đã đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt.
Tổng công suất lò đốt hơn 4 tấn rác/ngày, thực hiện theo quy trình khép kín, với nhiều ưu điểm như lắp đặt nhanh, đốt rác tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng ít nhân công, ít diện tích đất và quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh môi trường. Các chất thải, khí thải, khử mùi, khói, khí độc hại đã bị triệt tiêu trong quá trình đốt.
Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn xã đã cơ bản được xử lý bằng công nghệ thiêu đốt, giải quyết được tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm môi trường tại địa phương, cải thiện môi trường sống cho người dân.
Hệ thống xử lý rác thải của xã đi vào hoạt động không chỉ xử lý lượng rác thải của địa phương mà còn giải quyết lượng rác thải của các xã lân cận như Khánh Tiên, Khánh Lợi.
Ở nhiều địa phương khác, tuy chưa xây dựng được lò đốt rác như ở xã Khánh Thiện nhưng hầu hết đã quy hoạch được khu tập kết rác cách xa khu dân cư, thành lập các tổ thu gom rác thải, tổ tự quản về vệ sinh môi trường để tổ chức quét dọn, thu gom rác theo định kỳ mỗi tuần từ 2-3 lần.
Các địa phương cũng đã ký hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường tiến hành vận chuyển xử lý rác theo đúng quy trình, không để lượng rác thải tồn đọng lâu ngày trong khu dân cư.
Thôn Phong Lai 2, xã Đồng Phong (Nho Quan) là thôn thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường và ngày càng nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt.
Ông Ngô Vy Lăng, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Được thực hiện thí điểm trong việc triển khai thu gom, tập kết rác thải của xã Đồng Phong, thôn đã tuyên truyền đến mọi người dân ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống.
Theo đó, mỗi tuần 3 lần, đội thu gom rác của thôn tiến hành thu gom rác thải đến bãi tập kết.
Gần 150 hộ dân của thôn (đạt 100% số hộ) đóng phí thu gom rác thải với mức 15 nghìn đồng/tháng/hộ dân và 25 nghìn đồng/tháng/hộ kinh doanh buôn bán.
Cùng với đó, người dân trong thôn thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà cửa, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Nho Quan cho biết: Xác định môi trường là tiêu chí khó hoàn thành, thời gian qua, huyện Nho Quan đã huy động các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức sâu sắc và nỗ lực thực hiện tiêu chí này.
Tuy địa bàn rộng, nguồn kinh phí còn khó khăn nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã chung sức, đồng lòng, từng bước triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Toàn huyện có 34 điểm thu gom rác thải tập trung, hầu hết các xã đã quy hoạch các điểm tập kết rác thải, mua xe vận chuyển, tích cực xử lý nước thải, chất thải và tăng cường công tác tuyên truyền đến mỗi người dân, gia đình.
Đến nay, huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt tiêu chí môi trường. Năm 2016, huyện chỉ đạo phấn đấu có thêm 2-3 xã hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, nhiều địa phương gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường, nguyên nhân chính là nguồn nước sạch không đảm bảo.
Đồng chí Đinh Văn Công, Chủ tịch UBND xã Văn Phong (Nho Quan) cho biết: Là địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016, đến nay, xã đã hoàn thành 15 trên tổng số 19 tiêu chí, còn lại 4 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường.
Năm 2012, địa phương được đầu tư xây dựng Trạm cấp nước sinh hoạt nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí, công trình đã bị dừng lại và đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.
Không có nước sạch, người dân địa phương phải sử dụng nguồn nước giếng và thường thiếu nước sinh hoạt vào những tháng mùa khô.
Cuối năm 2015, công trình chậm tiến độ này đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV nước sạch Ninh Bình tiếp quản.
Đây thực sự là niềm vui đối với chính quyền và nhân dân địa phương, với mong muốn công trình sẽ sớm được triển khai để cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống của người dân và giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường khi đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, môi trường sống ở nhiều vùng nông thôn hiện không chỉ ô nhiễm do rác thải mà còn bị ô nhiễm do khói bụi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ nguồn nước thải của các làng nghề...
Tại thôn 1, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), chỉ quanh khu vực này đã có tới 6 lò đốt vôi. Người dân cho biết các lò vôi này hoạt động cả ngày lẫn đêm, tiếng động, khói bụi làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Đường giao thông nơi đây cũng bị xuống cấp nghiêm trọng do các xe tải lớn chở vật liệu cho các lò sản xuất vôi.
Trong 6 lò sản xuất vôi thì có 1 lò sản xuất vôi nằm ngay trong khu dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.
Người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp có biện pháp di dời lò đốt vôi này để đảm bảo sức khỏe và đời sống của người dân.
Nhận thức rõ những khó khăn đặt ra, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí môi trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua phong trào "Toàn dân bảo vệ môi trường".
Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay từ mỗi hộ gia đình với các hoạt động cụ thể như: phân loại rác thải tại nhà, thay đổi tập quán chăn thả động vật, xây dựng hệ thống thoát nước…
Cần xây dựng, áp dụng các giải pháp về chính sách hỗ trợ việc thực hiện những nội dung của tiêu chí môi trường, nhất là chính sách về hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải, bãi trung chuyển, xử lý chất thải rắn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện thu gom, xử lý rác thải…
Đối với các xã đã đạt được tiêu chí môi trường, chính quyền và nhân dân địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững, duy trì kết quả đã đạt được...
Mỹ Hạnh