Sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy diện tích cây trồng giảm, nhưng năng suất tăng nên tổng sản lượng lương thực có hạt đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Sản lượng lương thực ước 512,2 nghìn tấn, tăng 5,8% so với năm trước, vượt 2,4% kế hoạch năm. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp thì ở cả 2 vụ sản xuất lúa đều được mùa, đặc biệt là vụ lúa mùa năm nay có năng suất khá cao so với những năm trước, năng suất đồng đều ở các vùng, miền. Chăn nuôi gia súc, gia cầm còn gặp khó khăn, lượng đàn giảm so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản tiếp tục ổn định, phát triển, diện tích nuôi trồng trên 10 nghìn ha, tăng gần 2% và sản lượng nuôi trồng ước đạt 23,2 nghìn tấn, sản lượng khai thác đạt 4,7 nghìn tấn, tăng gần 15 %. Trong quý II, xuất hiện bệnh đốm trắng trên diện tích 620 ha tôm tại huyện Kim Sơn, các cấp, các ngành nhanh chóng hướng dẫn phòng ngừa, kiểm soát không để lây lan ra diện rộng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tổng giá trị 9 tháng qua ước đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tiếp tục đạt mức tăng khá: Giày, dép đạt 15 triệu đôi, tăng hơn 35%, phân urê đạt gần 254 nghìn tấn, tăng gần 37%; xi măng và clinke 8.119 nghìn tấn, tăng gần 17%; xe ô tô 4 chỗ đạt 1.315 chiếc, tăng hơn 13%... Qua 9 tháng, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh tăng gần 12% (ước gần 15 nghìn tỷ đồng). Một số công trình, dự án có khối lượng hoàn thành lớn, như: Đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình, ước đạt 284 tỷ đồng; Nhà máy xử lý rác thải 262 tỷ đồng; nâng cấp đê Hữu Hoàng Long, sông Đáy kết hợp giao thông (đoạn Bái Đính đi Kim Sơn) ước đạt 260 tỷ đồng; nạo vét dòng dẫn lũ sông Hoàng Long ước đạt 108 tỷ đồng…Thu ngân sách đạt 1.988 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (không gồm tiền sử dụng đất) đạt 1.495 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 313 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 180 tỷ đồng…
Khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành cần khắc phục những khó khăn, tồn tại, rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch của năm, xác định rõ mục tiêu phấn đấu. Đối với ngành nông nghiệp, thực hiện các giải pháp hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, các chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao; thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch; tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, giải phóng đất, triển khai sản xuất vụ động xuân cùng với chủ động phòng, chống lụt bão… Rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản hướng thâm canh, đảm bảo an toàn dịch bệnh…
Cùng với đó, những tháng cuối năm, các cấp, các ngành tập trung cơ chế thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn theo Quyết định 28/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất trọng điểm, như: Nhà máy sản xuất dây tai nghe điện thoại, công suất 3,3 triệu sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền- Ninh Bình, công suất 500 nghìn tấn NPK và phân khoáng hữu cơ/năm (giai đoạn I); Nhà máy kính nổi CFG, công suất 1.200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý cao su và plastic…
Các cấp, các ngành, đơn vị đề xuất phương án cụ thể để xử lý nợ xây dựng cơ bản các công trình, dự án do mình đang quản lý đảm bảo đúng quy định theo Kế hoạch 56/KH-UBND của UBND tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ xây dựng cơ bản các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Đối với thu ngân sách, 9 tháng qua, mức thu mới đạt 72% dự toán và trong điều kiện nguồn thu ngân sách phát sinh thấp, dự báo thu trong các tháng cuối năm sẽ khó khăn. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTCP ngày 13-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-8-2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; Công văn số 1319/BTC-NSNN ngày 16-9-2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách.
Triển khai các giải pháp thu ngân sách: rà soát, nắm chắc đối tượng, kiểm soát việc kê khai, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ và xử lý dứt điểm những khoản nợ đọng thuế. Theo ông Đỗ Văn Hoan, Cục trưởng Cục thuế tỉnh: Năm 2014, kinh tế tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, những bất ổn về kinh tế còn tiềm ẩn. Một số ngành sản xuất trên địa bàn Ninh Bình có tăng trưởng so với cùng kỳ, song các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu không phát sinh số thuế phải nộp (thuế suất bằng không), các ngành sản xuất các sản phẩm có số nộp chủ yếu nhưng sản lượng giảm sút và tiêu thụ chậm so với với cùng kỳ, như: sản xuất, phân phối điện giảm 3,7%, đá khai thác giảm 4,5%, thép cán giảm 5%, quần áo, mì ăn liền, thức ăn gia súc… cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình triển khai thực hiện và nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân được xác định là do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tổng cầu trên thị trường còn thấp dẫn đến nhiều doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đang hoạt động thì phải thu hẹp và tạm ngừng trong thời gian dài, các nhà đầu tư chưa dám mạo hiểm mở rộng và đầu tư mới dự án sản xuất, kinh doanh đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động.
Ngành Thuế đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp: Thường xuyên theo dõi sát tiến độ thu của các đơn vị, các nguồn thu còn tiềm năng, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, kiểm soát tình hình kê khai, nộp thuế gắn với việc phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế. Đối với mỗi nguồn thu, loại thuế còn thất thu, đều được phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại; đồng thời hực hiện nghiêm túc và triệt để Đề án "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng" và Đề án "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản" trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Minh