Tại tỉnh ta, năm 2018, có 95,3% phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất một lần trong thai kỳ. Tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai trong thời kỳ mang thai lần lượt là: 60%, 82,7% và 5,8%. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV là 93%. Tại các bệnh viện trong tỉnh, năm 2018 có 1.100 bà mẹ mang thai được chẩn đoán mắc viêm gan B, các bà mẹ đều được tư vấn để phòng lây nhiễm cho con. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu là 72%, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B là 97,7%; không phát hiện được bà mẹ mang thai bị mắc giang mai do tỷ lệ được sàng lọc rất thấp.
Như vậy, việc lập kế hoạch tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2030 là cần thiết, nhằm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền 3 bệnh trên, giúp trẻ phòng tránh được các bệnh lây truyền từ mẹ sang con để phát triển khỏe mạnh. Ngày 8/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 63//KH-UBND về "Tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2030".
Theo đó, mục tiêu cụ thể là rà soát, tham mưu bổ sung, xây dựng mới và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai. Tập trung vào các nội dung liên quan đến dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đưa vào sửa đổi Luật phòng chống HIV/AIDS để đảm bảo tính khả thi trong tiếp cận test sàng lọc, chẩn đoán và thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS; xây dựng, bổ sung các chính sách, quy định hỗ trợ triển khai loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, được đưa vào các hoạt động, dự án liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em và triển khai thực hiện tại các địa phương.
Đảm bảo cho người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là có trên 98% tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 1 lần, trên 95% các chỉ tiêu: tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời kỳ mang thai, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai và mắc bệnh được điều trị; trên 90% trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu; trên 98% tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B...
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con. Tuyên truyền cho các đối tượng về nguy cơ, các nguyên tắc dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị, xây dựng mạng lưới triển khai, theo dõi, đánh giá can thiệp loại trừ HIV, giang mai, viêm gan B từ mẹ sang con. Các hoạt động truyền thông về nguyên tắc dự phòng lây truyền 3 bệnh từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được triển khai, có sự tham gia của các đối tượng can thiệp bao gồm cả các nhóm bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, xây dựng mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp. Cụ thể là, mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá các can thiệp loại trừ 3 bệnh từ mẹ sang con được xây dựng và thực hiện. Đồng thời, thông tin về 3 bệnh này trở thành nội dung báo cáo thường quy và được lồng ghép vào trong hệ thống thông tin y tế sẵn có.
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tỉnh được thực hiện từ ngày 1-30/6/2019, trong phạm vi toàn tỉnh với chủ đề "Mẹ không có HIV-Con không nhiễm HIV" với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như: Huy động sự tham gia, vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu "Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020"; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV (bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai); đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện để giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV.
Để làm tốt công tác này, ngành Y tế tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện có hiệu quả, triển khai hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật, các quy định về chuyển tuyến, kỹ thuật đảm bảo nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc liên tục. Tạo môi trường thuận lợi, phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong dự phòng, kiểm soát lây truyền, bảo đảm quyền bình đẳng cho từng cá nhân trong cộng đồng, khuyến khích các thành viên trong gia đình áp dụng các biện pháp dự phòng và trở thành những tuyên truyền viên trong việc dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai, tiến tới loại trừ lây truyền 3 bệnh này vào năm 2030.
Hạnh Chi