Là một trong những vùng trọng điểm rau màu của huyện Nho Quan, nhiều năm qua vụ đông luôn được coi là vụ sản xuất chủ lực của Văn Phú. Trước đợt mưa lụt ngày 17-18/9, Văn Phú đã trồng được gần 10 ha ớt và hàng chục ha ngô, lạc, rau màu khác.
Tuy nhiên mưa ngập đã làm hầu hết các diện tích cây trồng này bị hư hại, chậm phát triển. Thế nhưng chỉ chờ nước rút, bà con lại tập trung ra đồng, chăm sóc, bổ cứu, phun thuốc kích thích sinh trưởng cho những diện tích có khả năng phục hồi, gieo trồng lại những diện tích bị mất đồng thời tiếp tục gieo trồng những cây trồng khác còn trong khung thời vụ.
Nghỉ tay bên những luống ớt đã xanh trở lại, chuẩn bị cho quả, bà Phạm Thị Bình, thôn Hiền Lương vui vẻ cho biết: từ nhiều năm nay, gia đình luôn duy trì trồng 2-3 sào cây màu vụ đông. Nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền xã, HTXNN đưa giống ớt này vào sản xuất, thu nhập của gia đình tăng đáng kể. Vụ trước, trừ chi phí, mỗi sào ớt cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Năm nay, chỗ ớt này tôi trồng từ đầu tháng 8 âm lịch, nhưng do mưa ngập nên cây sinh trưởng chậm. Hiện, gia đình đang tập trung chăm sóc, bón phân qua lá, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Thật may cây phục hồi tốt, đã xanh trở lại và đang chuẩn bị cho thu lứa đầu.
Cũng giống như gia đình bà Bình, gia đình bà Đinh Thị Lan, thôn Sào Lâm vụ này cũng trồng 2 sào cây vụ đông. Bà Lan chia sẻ: không có đất màu để trồng ớt nên tôi chọn cây ngô để luân canh trên diện tích đất 2 lúa của gia đình. Năm nay, hạn hán nên lúa mùa thu hoạch muộn, lẽ ra trồng ngô là không còn thời vụ nhưng do ngô hiện nay là trồng để bán cả cây cho Công ty bò thịt, sữa Yên Phú nên trồng muộn cũng được. Bà Lan cho biết thêm: Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường sá, mương máng tưới, tiêu thuận lợi hơn trước rất nhiều, trong sản xuất vụ đông lại được bao tiêu sản phẩm nên nông dân chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất.
Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, những năm qua, Văn Phú đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, biện pháp thâm canh để tăng giá trị sản xuất. Đồng chí Bùi Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông. Trước những khó khăn: giá nông sản bấp bênh, thiếu hụt lao động…, để duy trì diện tích vụ đông, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, trong đó quy vùng sản xuất, xác định cơ cấu giống lúa, cây màu, thời vụ gieo trồng phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Với phương châm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực mượn ruộng đất để khép kín diện tích gieo trồng cây vụ đông, xã đã tiến hành điều tra, rà soát chi tiết, cụ thể từng cánh đồng, giao kế hoạch, chỉ tiêu cho từng thôn. Mặc dù, năm nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con.
Tuy nhiên đến thời điểm này, nông dân trong xã đã gieo trồng được trên 50 ha cây vụ đông các loại trong đó lạc 3,3 ha, ngô 34 ha, khoai lang 2 ha, ớt 9 ha, rau đậu gần 10 ha. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con chăm bón, phòng trừ sâu bệnh để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tập trung thu hoạch nốt những diện tích lúa mùa còn lại, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng còn thời vụ.
Vụ đông này, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 12.300 ha cây trồng các loại. Trong đó, nhóm cây chủ lực được xác định là: đậu tương 440 ha, ngô trên 3.000 ha, khoai tây 750 ha, khoai lang trên 1.400 ha, rau các loại 4.500 ha. Tuy nhiên, đến ngày 14/10, toàn tỉnh mới gieo trồng được khoảng 4.200 ha, đặc biệt diện tích đậu tương giảm mạnh so với năm trước và so với kế hoạch, chỉ đạt gần 150 ha.
Ông Lã Quốc Tuấn, Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết: trung tuần tháng 9, thời tiết mưa nhiều đã làm chậm tiến độ thu hoạch lúa mùa sớm và làm nhiều diện tích rau trái vụ, ớt bị ảnh hưởng. Tại một số đơn vị như huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp hạn hán đã làm tiến độ sản xuất vụ mùa chậm kéo theo vụ đông chậm. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm vụ đông như ngô ngọt, dưa chuột bao tử thời gian gần đây suy giảm dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Trước những khó khăn trên, để đảm bảo diện tích kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thàn phố tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tập trung chỉ đạo các xã, HTX tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa mùa còn lại, giải phóng đất và cày lật đất sớm, gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh nhóm rau ăn lá ngắn ngày hoặc để ải.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất các cây trồng ưa ấm và ưa lạnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục mở rộng diện tích nhóm cây ưa lạnh, đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích các loại rau ăn củ, ăn quả có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao; đối với các loại rau ăn lá, hướng dẫn trồng gối, trồng rải vụ để tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung chăm sóc các loại rau màu vụ đông nhóm cây ưa ấm, để cây sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa, kết trái khi nền nhiệt còn cao, đảm bảo năng suất, sản lượng và hiệu quả. Riêng đối với cây khoai tây thời vụ trồng bắt đầu còn kéo dài đến cuối tháng 11, khoai tây vụ xuân đến cuối tháng 12, vì vậy các địa phương có thể điều chỉnh theo hướng tăng diện tích, nhất là khoai tây chất lượng, phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ.
Tập trung nguồn lực khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương nội đồng, tạo rãnh thoát nước trên ruộng đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thị trường vật tư nông nghiệp, cung ứng giống, phân bón, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Hà Phương