Dấu hiệu tích cực
Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2020 của tỉnh đạt 7.433,2 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 60.007,4 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng nêu rõ, trong tháng 9, doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 6.634 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đạt 47.195 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: kính xây dựng tăng 21,3%; cấu kiện tháp, cột bằng sắt, thép tăng 98,2%; thanh nhôm, que nhôm tăng 80%... Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: phân đạm giảm 17,5%; linh kiện điện tử giảm 24,7%...
Điểm cộng cho nền kinh tế sau dịch phải kể đến sự phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trước diễn biến xấu của dịch bệnh, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những tháng đầu năm xuất khẩu gần như "đóng băng".
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ từ tỉnh cũng như nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã đạt trên 270,2 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt trên 1.814,9 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 82,5% kế hoạch. Các nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: Camera và linh kiện điện thoại tăng 2,1% so với cùng kỳ; giày dép các loại tăng 7,1%; linh kiện điện tử tăng 5,9%…
Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 9 tháng đạt trên 18,02 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 73,6% kế hoạch năm. Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt mức cao là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát tốt.
Có thể thấy, mặc dù mức tăng trưởng của ngành công nghiệp, xuất khẩu chưa cao so với những năm trước, song tỉnh vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng dương, các doanh nghiệp đến thời điểm này cơ bản ổn định sản xuất, đời sống người lao động được đảm bảo, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong năm 2020.
Quyết tâm cao
Mặc dù đã có sự khởi sắc trong phát triển các ngành kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn một số ngành đang gặp khó khăn. Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, đặc biệt là các ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm đạt gần 25,8 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, ngành du lịch trong thời gian qua chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, số lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trong tỉnh 9 tháng đầu năm đạt gần 2,03 triệu lượt, giảm 68,8%; doanh thu đạt 1.180,4 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước khó khăn của nền kinh tế, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã vào cuộc, bảo đảm vốn tín dụng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng, thực hiện hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay…
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 9 đạt 84.317 tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm, trong đó, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi COVID-19 đạt gần 4.757 tỷ đồng. Công tác thanh toán, phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng được tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Một cửa điện tử tại các cơ quan, đơn vị.
Dự báo trong thời gian tới, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội và ngành nghề, lĩnh vực cụ thể trên địa bàn tỉnh, nhất là sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, nhu cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhưng toàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng điều chỉnh năm 2020 và mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 6,76%; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9,27%; dịch vụ đạt 5,25%; riêng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mục tiêu đề ra, đạt 3,1%.
Với ý nghĩa đặc biệt của năm 2020 và trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu từng sở, ngành, địa phương kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, tiếp tục chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo đó, cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với trọng tâm là thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; các giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (như: ô tô, linh kiện điện tử, xi măng - clanke…) nhằm giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và những khó khăn, vướng mắc... để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như các dự án ngoài ngân sách theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 7/7/2020. Xây dựng các giải pháp phát triển du lịch, các hoạt động, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch; tiếp tục triển khai các nội dung chuẩn bị điều kiện tổ chức Năm du lịch Quốc gia Ninh Bình 2021.
Tập trung chỉ đạo các địa phương thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Tập trung phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện có hiệu quả phương án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp trong điều kiện ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh.
Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã, thôn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc huyện Yên Mô đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguyễn Thơm