Đã nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng quan tâm đến việc đưa nước sạch về vùng nông thôn. Các phong trào: xây bể chứa nước mưa, đào giếng khơi, khoan giếng UNICEP... phát triển mạnh trong các hộ gia đình nông thôn. Song, nước mưa, nước giếng khơi cũng chưa phải là nước sạch hợp vệ sinh; nước giếng UNICEP, phát triển nhiều làm hạ mực nguồn nước ngầm trong đất và không phải nơi nào cũng có thể khoan và dùng được... Để khắc phục những hạn chế trên, những năm gần đây, tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển các trạm, nhà máy cấp nước tập trung phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân vùng nông thôn với mục tiêu đến năm 2015, Ninh Bình có khoảng 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 60% từ các công trình cấp nước tập trung...
Đồng chí Trịnh Quang Đông, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Kết quả điều tra, đánh giá theo bộ chỉ số "Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn", đến tháng 6 năm 2013 tỉnh ta có 87,5% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tăng 0,11% so với năm 2012 và tăng 3,9% so với năm 2011; trong đó, số dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung đạt gần 50%, đây là tỷ lệ khá cao so với cả nước và khu vực đồng bằng Bắc bộ. Nhiều đơn vị có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung cao như: huyện Gia Viễn (90% dân số); Hoa Lư (73,89%); Yên Mô (60,67%).
Tại huyện Yên Mô, Chương trình nước sạch nông thôn đã tạo sự được chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng; hầu hết cán bộ, đảng viên, nhân dân và một số doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, đóng góp xây dựng các công trình nước sạch tập trung theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm; đến nay, trên địa bàn huyện có 9 nhà máy nước sạch đang hoạt động, 4 nhà máy đang được xây dựng và 2 dự án đã được chấp thuận đầu tư với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 84 công trình cấp nước tập trung gồm: 6 công trình liên xã, 55 công trình cấp xã, 23 công trình cấp thôn. Các công trình này được quản lý theo các mô hình: UBND xã, thôn quản lý 23 công trình, chiếm 24,7% tổng công trình cấp nước tập trung; HTX quản lý 11 công trình, chiếm 13%; Trung tâm NS&VSMTNT quản lý 1 công trình, chiếm 1,2%; tư nhân hộ cá thể quản lý 21 công trình, chiếm 25%; doanh nghiệp quản lý 31 công trình, chiếm 33,4%.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang tích cực đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và tổ chức bàn giao đưa vào hoạt động 4 công trình cấp nước tập trung: Công trình Kim Mỹ (Kim Sơn), công trình Kênh Gà (Gia Viễn), công trình Khánh Hồng (Yên Khánh) và công trình Khánh Thượng (Yên Mô). Khi 4 công trình này đi vào hoạt động, tỉnh ta sẽ có thêm 25 nghìn người dân được sử dụng nước sạch, góp phần đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch tăng cao. Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức các lớp tuyên truyền về nước sạch & VSMT nông thôn ở 18 xã cho hơn 1.000 lượt người tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn trong việc bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch hợp lý, bỏ dần tập quán sử dụng nước không hợp vệ sinh. Trung tâm đã tổ chức kiện toàn về con người cũng như phương tiện cho Trạm xét nghiệm nước, tổ chức lấy mẫu nước ở tất cả các trạm cấp nước tập trung trong tỉnh để xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước, từ đó có giải pháp khắc phục cho những trạm chưa đạt yêu cầu theo tiêu chí của Bộ Y tế. Phối hợp với các xã có các công trình cấp nước tập trung tổ chức phát động nhân dân, thu gom chất thải, rác thải, khơi thông cống rãnh.
Trong thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác huy động các nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn đóng góp của địa phương; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa một số công trình cấp nước tập trung vào hoạt động phục vụ cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý sau đầu tư, tổ chức đánh giá tổng kết các mô hình quản lý, tìm ra mô hình quản lý có hiệu quả nhất, để áp dụng cho toàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung, phấn đấu đến hết năm 2013, 88% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó có 48-50% dân số được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Đinh Chúc