Để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh về mắt của người dân, thời gian qua, cùng với việc đầu tư trang bị các thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Mắt tỉnh đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu như: soi đáy mắt bằng kính 3 mặt dương Goldmann, bóc giả mạc, laze trong điều trị bệnh glôcôm và đục bao sau thể thủy tinh thứ phát…
Bên cạnh đó, những năm gần đây Bệnh viện cũng tuyển dụng được nhiều bác sỹ về công tác nên đã có gần 20 bác sỹ, trong đó có 1 thạc sỹ, 4 bác sỹ chuyên khoa cấp I có thể đảm nhiệm các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bệnh viện đã quan tâm cử các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa mắt tại các bệnh viện tuyến Trung ương để cập nhật nhanh chóng các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu nên đã đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của các đối tượng người bệnh, khắc phục được tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã khám và điều trị cho trên 14.900 lượt bệnh nhân, thực hiện gần 2.000 ca phẫu thuật, trong đó có 1.500 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco… Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh tại bệnh viện, Bệnh viện Mắt tỉnh còn tích cực phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh hoạt động khám, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi theo chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi" được triển khai từ tháng 7-2012 do ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi", Bệnh viện Mắt tỉnh đã cử nhiều đoàn bác sỹ về tận các địa phương trong tỉnh để khám, tư vấn, hướng dẫn người cao tuổi cách chăm sóc sức khỏe đôi mắt. Những buổi khám bệnh về mắt đã thu hút rất đông người cao tuổi tham gia, giúp họ hiểu và biết cách để chăm sóc sức khỏe đôi mắt. Vừa qua, nhân ngày "Thị giác thế giới", Bệnh viện Mắt tỉnh đã cử 2 đoàn bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa cùng các máy móc, trang thiết bị và tranh tuyên truyền để khám mắt cho người cao tuổi ở xã Đức Long và Gia Tường, huyện Nho Quan.
Tại trạm y tế của hai xã, không chỉ khám để phát hiện các bệnh về mắt cho người cao tuổi, cấp thuốc miễn phí, các bác sỹ còn tư vấn, hướng dẫn người dân các bệnh về mắt cần quan tâm theo dõi, cách chăm sóc sức khỏe đôi mắt, hướng dẫn những người bị mắc các bệnh về mắt cần phải điều trị ngay như: đục thủy tinh thể, quặm, glôcôm… Có mặt tại buổi khám của Bệnh viện Mắt tỉnh, bà Quách Thị Đằm (Đội 3, xã Đức Long) phấn khởi cho biết: Người cao tuổi như chúng tôi, thấy đôi mắt nhìn kém đi hoặc đôi khi thấy khó chịu, như có cái gì vương vướng nhưng lại không nghĩ đó là bệnh về mắt mà lại cho rằng đó là do tuổi già nên cứ sống chung với bệnh nhiều năm. Nay được các bác sỹ Bệnh viện Mắt tỉnh về khám và tư vấn đã giúp chúng tôi hiểu cần phải quan tâm chăm sóc sức khỏe đôi mắt như thế nào…
Với 2 buổi khám, đã có hơn 500 lượt người cao tuổi của 2 xã Đức Long và Gia Tường được khám, tư vấn các bệnh về mắt, cấp thuốc miễn phí. Đây cũng là hoạt động khám sàng lọc để phát hiện kịp thời những người cao tuổi mắc các bệnh về mắt để lập danh sách, phối hợp với các Trung tâm Y tế đưa người bệnh về tuyến tỉnh điều trị. Từ tháng 10-2013 đến tháng 9-2014, toàn tỉnh đã có 9.640 người cao tuổi được khám các bệnh về mắt, đã có 576 trường hợp được phẫu thuật các bệnh về mắt như: đục thủy tinh thể, glôcôm, quặm, mộng.
Trao đổi với bác sỹ Tô Thị Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh được biết thêm:Hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến mù lòa có thể phòng, chữa được, trong đó bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, chiếm 66,1% các nguyên nhân gây mù. Tính trên cả nước có tới 264 nghìn người trong tổng số trên 400 nghìn người mù hàng năm. Tiếp theo là các bệnh về chấn thương mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ, các bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường... Điều đáng chú ý, trong số các nguyên nhân gây mù hiện nay, có tới 80% là có thể phòng, chữa được bằng phương pháp phẫu thuật với các dịch vụ dễ tiếp cận, hoặc chi phí không lớn.
Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Ngoài ra, còn có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân phải chịu cảnh mù lòa như người nghèo bị mù không có khả năng về kinh tế để đi khám, chữa bệnh, gia đình chưa quan tâm, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế, các vấn đề thủ tục hành chính phức tạp, người dân ở xa cơ sở y tế, người dân rất thiếu thông tin về các bệnh mắt. Một nguyên nhân nữa là do ý thức của người dân, chưa chủ động quan tâm đến sức khỏe, còn mang nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, hệ thống chuyên khoa mắt ở tuyến xã, huyện còn rất yếu.
Đối với tỉnh Ninh Bình, hiện nay hầu hết các huyện còn chưa có bác sỹ nhãn khoa, mạng lưới chăm sóc mắt ở cơ sở năng lực còn hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao, chế độ, chính sách chưa phù hợp. ở một số địa phương, các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến công tác phòng chống mù lòa, trang thiết bị nhãn khoa còn nghèo nàn, thiếu thốn…
Do đó, nhân ngày "Thị giác thế giới" năm nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai các hoạt động như: đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chăm sóc mắt ở cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiến hành khám, tư vấn các bệnh về mắt, khám và quản lý tật khúc xạ, quản lý theo dõi bệnh glôcôm, đái tháo đường, bệnh đục thủy tinh thể, hướng dẫn cách dùng thuốc và chăm sóc mắt đúng cách. Bệnh viện còn tiến hành tư vấn, khám mắt miễn phí cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách tại Bệnh viện và các địa phương trong tỉnh. Thông qua hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân về ý thức chăm sóc gìn giữ đôi mắt, đặc biệt là các nguyên nhân gây mù, suy giảm thị lực có thể phòng, chữa được. Từ đó hướng đến mục tiêu "Quyền được nhìn thấy", nhằm loại bỏ hoàn toàn mù lòa có thể tránh khỏi được trên thế giới đến năm 2020.
Lý Nhân