Kỳ 3: TỪNG BƯỚC CƠ CẤU LẠI THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI
Nhận diện những khó khăn Không thể phủ nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch trong những năm qua, song nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn tồn tại của ngành du lịch, ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư lớn để biến các tiềm năng thành sản phẩm du lịch có chất lượng cao phục vụ du khách.
Bên cạnh đó việc đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có uy tín. Thiếu các khu dịch vụ bổ sung và các trung tâm vui chơi, mua sắm lớn, các doanh nghiệp thương hiệu du lịch quốc gia và quốc tế...
Một khó khăn lớn mà các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch Ninh Bình luôn trăn trở đó là chính là sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao trong chiến lược phát triển du lịch bền vững. Theo thống kê của ngành Du lịch, lao động trong ngành không ngừng tăng lên qua các năm: Năm 2010 có 8.550 lao động, đến năm 2018 đã tăng lên 21.100 lao động; tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12%/năm. Số lao động trực tiếp tăng khá nhanh, từ 1.892 lao động năm 2010 lên 6.200 lao động năm 2018; tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm.
Từ những con số thống kê cho thấy ngành Du lịch đang có sức hút rất đông lao động. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn nhân lực du lịch còn thiếu ổn định về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đội ngũ quản lý giỏi, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch nhìn chung còn yếu... Tất cả các yếu tố này đang là bài toán khó cần có lời giải và không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Một khía cạnh có vai trò tổng hợp trong việc thu hút đầu tư cũng như thu hút trực tiếp du khách đến Ninh Bình, đó là công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch. Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình nêu quan điểm: Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu ứng tốt, nhưng so với mục tiêu đề ra thì còn nhiều hạn chế như quy mô hoạt động xúc tiến,quảng bá du lịch ở nước ngoài còn nhỏ bé, chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn đối với truyền thông và tác động đến thị trường khách mục tiêu.
Nội dung quảng bá cũng chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp. Chưa gắn kết các khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch để tạo nên sức hút cho các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh để đưa khách về Ninh Bình. Một khó khăn nữa không thể không kể đến là hiện nay trên địa bàn tỉnh hoạt động lữ hành vẫn còn yếu, chưa có doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành nội địa chủ yếu ở quy mô nhỏ.
Cần cơ cấu lại ngành du lịch
Thực tế đã chứng minh, cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở là chìa khóa thành công trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư du lịch nói riêng. Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc "xin cơ chế, không xin tiền" trong thu hút đầu tư.
Đối với tỉnh Ninh Bình, việc vận dụng để nghiên cứu xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch là rất quan trọng. Để thực hiện giải pháp này UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng chính sách đặc thù ở các lĩnh vực như thuế, lãi suất, đất đai... đối với các dự đầu tư mới, đồng bộ vào du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, các dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch mới có khả năng thu hút khách du lịch và tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách... tạo nên thương hiệu du lịch Ninh Bình. Đây cũng được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài ra, việc nhận diện rõ những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Du lịch Ninh Bình đang từng bước cơ cấu lại theo hướng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, ngành Du lịch đã và đang quan tâm triển khai từ việc xây dựng quy hoạch dài hạn, tổng thể đến xây dựng kế hoạch, chương trình, thực hiện các biện pháp có tính chất cấp bách, thường xuyên để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ năm 2010 đến 2018, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo, Ban Quản lý dự án EU (Tổng cục Du lịch) tổ chức 84 lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ du lịch cho 8.849 lượt cán bộ, nhân viên làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư địa phương. Phối hợp với Trường Đại học Hoa Lư tổ chức đào tạo trình độ trung cấp du lịch các nghề buồng, bàn, bar, bếp, lễ tân... giúp trên 500 lao động đã qua đào tạo được làm việc tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tinh.
Đối với việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tỉnh đang ưu tiên đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch trên sông, du lịch biển; bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.
Song song với đó các doanh nghiệp du lịch của Ninh Bình cũng cần chú trọng xây dựng thu hút khách ở các thị trường mục tiêu với mức độ khác nhau tùy theo khả năng của mình. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của WTO, tham gia nhiều hiệp định quốc tế, vấn đề liên kết, hợp tác, hội nhập đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển. Chính vì thế du lịch Ninh Bình cần đặt mình trong mối liên kết hợp tác quốc tế và khu vực, kế hoạch phát triển phải đồng bộ trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng...
Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc thù, có chất lượng cao... Từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch của Ninh Bình.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Du lịch cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch thông qua những chính sách quản lý của Trung ương, các bộ, ngành và địa phương. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh; chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác du lịch tại Khu du lịch sinh thái Vân Long.
Tiếp tục triển khai xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong kinh doanh du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch...
Phúc Nguyên
Kỳ 1: PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN
Kỳ 2: THU HÚT NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ ĐỂ NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH