P.V: Xin đồng chí đánh giá về thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đồng chí Chu Thanh Hà: Hiện nay thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước chuyển biến đáng kể. Chất lượng môi trường không khí được cải thiện, đặc biệt là hiện tượng ô nhiễm khói bụi trầm trọng do nung đốt vôi, đốt gạch thủ công trong khu dân cư nội thành thành phố Ninh Bình, trên địa tỉnh đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, tại một số điểm nút giao thông chính, khu vực khai thác, chế biến đá, làng nghề, đặc biệt là các tuyến đường có các phương tiện vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ. Riêng môi trường rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, trong khi đó việc thu gom, xử lý rác thải đang là bài toán nan giải đặt ra cho các cấp, các ngành, nhất là rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, do một số nơi chưa thành lập được tổ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển hoặc có nhưng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Hầu hết các huyện trong tỉnh đều chưa có hệ thống xử lý rác thải hợp vệ sinh, vì chưa có quy hoạch bãi rác, kinh phí đầu tư cho xây dựng bãi xử lý rác thải rất lớn… Hiện chỉ có rác thải khu vực thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và các thị trấn đã được thu gom cơ bản, vận chuyển về bãi rác thải chung của tỉnh để xử lý. Đối với môi trường nước, chất lượng nước mặt tự nhiên các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa bị ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn dùng cho nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp. Tuy nhiên, ở một số thị trấn và các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, giết mổ gia súc, chế biến cói...chất lượng nước đang có chiều hướng gia tăng ô nhiễm, do ảnh hưởng từ nước thải trong quá trình chế biến. Nhận thức của người dân nông thôn về bảo vệ môi trường chưa cao nên tình trạng xả rác, nước thải ra ao, hồ, kênh mương đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu không đúng quy định cũng là nguyên nhân làm cho nguồn nước mặt có biểu hiện bị ô nhiễm.
P.V: Tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay đã đặt ra những áp lực như thế nào đối với môi trường trên địa bàn thưa đồng chí? Tỉnh ta đã có những hành động gì để giảm thiểu những tác hại ảnh hưởng đến môi trường?
Đồng chí Chu Thanh Hà: Tỉnh ta đang trên đà phát triển, cùng với tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã đặt ra nhiều thách thức với môi trường như ô nhiễm cục bộ môi trường không khí, nước... Để giải quyết vấn đề đó, tỉnh ta đang có lộ trình hợp lý để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác hại ảnh hưởng đến môi trường như Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 6-5-2005 về việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Xây dựng Chương trình hành động số 02/CTr-UB ngày 11-5-2005 về thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ban hành Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 28-4-2006 về việc phê duyệt Định hướng phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường. Tỉnh chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sau khi đã thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện công tác hậu thẩm định đánh giá tác động môi trường và kiểm soát môi trường định kỳ đối với các đơn vị đã đi vào sản xuất kinh doanh, đầu tư kinh phí cho công tác kiểm soát môi trường nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu đến môi trường do hoạt động sản xuất gây ra.
P.V: Để đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững trên địa bàn, trong thời gian tới tỉnh triển khai những giải pháp gì? Những hành động thiết thực hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm nay?
Đồng chí Chu Thanh Hà: Bảo vệ môi trường cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh. Đây là công việc khó khăn, phải làm lâu dài vì tính liên ngành, liên vùng, là công việc của cả cộng đồng và phải tiến hành trong nhiều năm mới đạt được. Do vậy, để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tỉnh sẽ thực hiện yêu cầu xử lý chất thải từ đầu nguồn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Việt Nam cho phép mới được thải ra lưu vực sông và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, coi trọng tuyên truyền vận động, thực hiện xã hội hóa làm gốc, ưu tiên các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thực hiện bảo vệ môi trường ngay trong quá trình lập và triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch đầu tư khác. Quy hoạch, xây dựng và phát triển các hệ sinh thái; bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý; bảo vệ đa dạng sinh học và rừng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về đa dạng sinh học và an toàn sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. áp dụng tối ưu các giải pháp công nghệ sản xuất sạch hơn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng khung thể chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh và của Việt Nam.
Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm nay là "Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học ở tỉnh ta đã trở thành hoạt động xã hội thường niên được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, có nhiều hoạt động cụ thể thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Năm nay, Tỉnh tập trung vào một số hoạt động như: Tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; đề xuất và triển khai các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, đặc biệt là những dự án liên quan đến trồng rừng và bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và suy thoái rừng, phát động và duy trì hoạt động trồng cây gây rừng; tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Môi trường thế giới và năm quốc tế về Rừng 2011 tại huyện Gia Viễn; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức cá nhân có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển rừng...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
Thanh Thủy (Thực hiện)