Kể từ đó đến nay Voọc mông trắng được coi như biểu tượng thiên nhiên của Ninh Bình, rất nhiều các tổ chức, cá nhân đã và đang nỗ lực để bảo tồn, phục hồi, tái tạo loài vật này trong tự nhiên.
Voọc quần đùi trắng hay voọc mông trắng là một loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ Cựu thế giới, bộ Linh trưởng. Con trưởng thành có trọng lượng cơ thể 8,1 - 9 kg, trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen, vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi.
Ninh Bình và một số địa phương lân cận tự hào là nơi duy nhất trên thế giới có sự phân bố của loài này. Đáng tiếc, tệ nạn săn bắt, chặt phá rừng, buôn bán, nuôi làm vật cảnh trái phép đã khiến quần thể voọc mông trắng ngày một suy giảm và hiện chỉ có khoảng vài trăm cá thể.
Ông Tilo Nadler, một chuyên gia đã nhiều năm lăn lộn, gắn bó với hoạt động bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam cho biết: Vào thập niên 90, chúng tôi đã đi điều tra và quan sát được một đàn voọc mông trắng ở khu vực Tràng An (Hoa Lư) nhưng đến năm 2000 thì không thấy nữa.
Đó là là một kết quả đáng buồn. May mắn là còn một quần thể voọc mông trắng khác, với số lượng cá thể khá đông ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Để tránh sự mất đi của loài này như ở Tràng An, Hội động vật học Frankfurt (CHLB Đức) đã ưu tiên hỗ trợ thực hiện các dự án tăng cường bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế cho người dân xung quanh khu bảo tồn; từng bước loại bỏ nạn săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã.
Nhờ vậy, đến nay, số lượng quần thể voọc mông trắng ở đây đã tăng gấp 4 lần (từ khoảng 50 cá thể trước đây lên hơn 200 cá thể). Đây là một kết quả lạc quan cho sự tồn tại của loài voọc mông trắng.
Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc VQG Cúc Phương, Giám đốc dự án bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại VQG Cúc Phương chia sẻ thêm: Nhiều năm qua, Hội động vật Frankfurt, Vườn thú Leipzing Cộng hòa liên bang Đức và VQG Cúc Phương còn hợp tác triển khai dự án "Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam", thành lập nên Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại VQG Cúc Phương.
Tại đây, hiện đang cứu hộ và bảo tồn gần 200 cá thể của 16 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm. Có 10 loài đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới đó là: voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc Chà vá chân xám. Những cá thể được sinh ra từ quần thể nuôi nhốt này đã được tái hòa nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long vào các năm 2011, 2012.
Tiếp nối những thành công trong công tác bảo tồn loài voọc mông trắng tại Ninh Bình, một ý tưởng táo bạo đã được đưa ra, đó là: thành lập lại một quần thể voọc mông trắng ở Tràng An.
Ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết: Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Kể từ đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản được chú trọng, môi trường được quan tâm bảo vệ tốt hơn.
Người dân sống trong vùng Di sản có ý thức rõ rệt trong bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, tình trạng đánh bắt thủy sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, khai thác trái phép gỗ củi, cây cảnh, đá cảnh, vật liệu xây dựng… không còn.
Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy số lượng các loài thủy sản, chim trở lại với Tràng An ngày càng đông đúc hơn. Do vậy, đưa voọc mông trắng trở lại với Tràng An nơi chúng đã từng thuộc về vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Và cuối tháng 8 vừa qua, Ban quản lý đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương và Four Paws Việt Nam tái thả 3 cá thể Vọoc mông trắng (1 đực, 2 cái) đầu tiên về lại tự nhiên tại đảo Ngọc.
Chúng tôi kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần làm giàu các giá trị của Di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học; tạo nên một điểm nhấn mới cho du khách khi đến với Tràng An. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và các loài động thực vật quý hiểm của Việt Nam và thế giới, đặc biệt là viên ngọc quý - Vọoc mông trắng.
Được biết, để đảm bảo tái thả thành công, trước đó 2 năm, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm thả phù hợp, theo dõi tỉ mỷ môi trường sinh thái trong khu vực, điều tra về mức độ đa dạng và trữ lượng thức ăn,…Đồng thời thực hiện đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, theo dõi, chăm sóc đàn voọc.
Nguyễn Lựu