Dấu hiệu khả quan Công ty may mặc Hoa Hường (xã Khánh Thành, Yên Khánh) được thành lập từ năm 2007, cùng thời điểm đó lãnh đạo doanh nghiệp đã quan tâm bố trí bữa ăn ca cho người lao động với quan điểm coi sức khỏe của công nhân là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp cần phải bảo vệ. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Nhần, Phó giám đốc Công ty cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Khi mới bắt tay vào triển khai tổ chức bữa ăn ca cho người lao động cũng là lúc doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên nguồn kinh phí còn hạn hẹp, thêm vào đó chúng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sau gần 10 năm, cùng với sự đồng hành, giám sát của tổ chức công đoàn, chất lượng bữa ăn ca trong Công ty đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt Nghị quyết mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động" đã cho chúng tôi thấy rõ hơn về trách nhiệm lớn của mình trong vấn đề này chứ không đơn thuần chỉ dựa vào "cái tâm" của chủ doanh nghiệp khi tổ chức bữa ăn cho công nhân như trước đây.
"Trách nhiệm lớn" mà bà Nhần cũng như nhiều chủ doanh nghiệp đang rất quan tâm hiện nay liên quan đến một trong những nội dung của Nghị quyết đó là: Công đoàn cơ sở có thể thực hiện khởi kiện hoặc đề nghị công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện giám đốc doanh nghiệp khi doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Về nội dung này, chủ doanh nghiệp may Hoa Hường khá tự tin khi trong nhiều năm qua tại đơn vị không để xảy ra trường hợp về ngộ độc thực phẩm hay có những thắc mắc của người lao động. Được biết, nhà ăn của Công ty được bố trí riêng, tách biệt với khu nhà xưởng, các thực phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, mỗi suất ăn có giá trị 15.000 đồng, hàng năm bếp ăn được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, bà Phạm Thị Nhần, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ với chúng tôi cách làm mới của doanh nghiệp trong vấn đề này. Với mỗi bữa ăn, chúng tôi đều lấy mẫu từng thực phẩm, từng món ăn, sau đó bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh để có mẫu đối chiếu nếu xảy ra bất cứ trường hợp ngoài ý muốn nào sau bữa ăn.
Cũng đã phần nào thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bữa ăn của người lao động, sau khi đi vào hoạt động ổn định, Công ty may Thịnh Lộc (Yên Mô) dành một khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xây mới khu bếp ăn tập thể cho người lao động. Đến thời điểm này tại doanh nghiệp cũng chưa để trường hợp ngộ độc thực phẩm đáng tiếc nào xảy ra. Với số lượng hàng trăm suất ăn/bữa, Công ty phải bố trí tới 5 người phục vụ, nấu nướng. Điểm đáng chú ý là, trong cả quá trình đã có sự tham gia của tổ chức công đoàn từ khâu lựa chọn người cung cấp thực phẩm, bảo quản thực phẩm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra khâu chế biến thức ăn… Theo chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn Công ty: ở đây, nữ công nhân chiếm đa số, nếu để chất lượng bữa ăn kém sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm việc và tác động xấu đến sức khỏe sinh sản, vì vậy chúng tôi chú trọng tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp để liên tục cải thiện bữa ăn cho người lao động.
Theo số liệu tổng hợp của LĐLĐ tỉnh, tính đến tháng 5-2016, có 95 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thực hiện bữa ăn ca cho người lao động, trong đó có 70 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca tại chỗ, 4 doanh nghiệp thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, 21 doanh nghiệp phát tiền cho người lao động, 12 doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí bữa ăn ca và có 46/114 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca của người lao động.
Cần những giải pháp cụ thể
Đồng chí Lê Đình Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Bữa ăn ca tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của người lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, tôi cho rằng việc Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành nghị quyết về bữa ăn ca là rất cần thiết. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm thì Nghị quyết này lại càng được các chủ doanh nghiệp và công nhân quan tâm. Việc ban hành Nghị quyết kịp thời sẽ có tác động trực tiếp đến cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi, nhất là đối với những doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề này.
Khi được tuyên truyền về nội dung này, ông Trịnh Hữu Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (xã Khánh Thủy, Yên Khánh) chia sẻ: Công ty chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết của Tổng Liên đoàn trong nỗ lực cải thiện bữa ăn ca cho người lao động. Bởi doanh nghiệp không thể đòi hỏi công nhân tăng năng suất lao động khi chất lượng bữa ăn quá kém. Chúng tôi đang từng bước tạo nên bữa ăn ngon miệng, hạn chế tối đa nguy cơ đối diện với ngộ độc thực phẩm để người lao động yên tâm cống hiến lâu dài.
Tiếp xúc với rất nhiều công nhân lao động, chúng tôi nhận thấy điều họ quan tâm hơn cả là giá trị suất ăn, sau đó là quy trình chế biến để có một bữa ăn an toàn, hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng để công nhân có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động.
Trên thực tế, theo số liệu thống kê còn tới hơn 20 doanh nghiệp thuê người cung cấp bữa ăn ca và phát tiền cho người lao động ăn tự túc bên ngoài, điều này gây lo lắng bởi nguy cơ ngộ độc thực phẩm là không hề nhỏ. Còn đối với các doanh nghiệp đã tổ chức bữa ăn cho người lao động thì vấn đề đặt ra là cơ chế giám sát, quản lý cũng chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết cần có các giải pháp cụ thể. Đồng chí Lê Đình Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng: Công đoàn cơ sở phải thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những hành vi gian lận, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Cùng với vấn đề tiền lương, tiền thưởng, vấn đề an toàn lao động thì chất lượng bữa ăn ca cũng cần được coi là nội dung quan trọng để thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, bên cạnh vai trò của tổ chức công đoàn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến an toàn thực phẩm…
Vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết này, đồng thời trong báo cáo tình hình bữa ăn ca của người lao động, LĐLĐ tỉnh cũng góp tiếng nói đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể, bắt buộc về định mức và đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của người lao động; đưa chất lượng bữa ăn ca là nội dung bắt buộc phải có trong thỏa ước lao động tập thể.
Duy Hiền