Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP.
Năm 2015, ngành tài chính cho biết đã đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015; trình Quốc hội phê duyệt phát hành tối đa 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong 2 năm 2015-2016 để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ. Bộ Tài chính đang theo dõi diễn biến thị trường, thực hiện phát hành tại thời điểm thích hợp, đảm bảo lợi ích quốc gia.
Trong quá trình điều hành, đã đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán. Thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ, tăng phát hành TPCP kỳ hạn dài (kỳ hạn bình quân tăng từ 4,8 năm trong năm 2014 lên 7,12 năm trong năm 2015); giảm lãi suất trái phiếu phát hành (giảm khoảng 0,47% so năm 2014). Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đối với nợ của chính quyền địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2016 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, tập trung cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, công trình trọng điểm, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
Theo M.P/Dangcongsan