Xây dựng thôn kiểu mẫu Thôn Tân Dưỡng 1 hôm nay đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, dần hình thành mô hình thôn kiểu mẫu.
Bác Trần Văn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Tân Dưỡng 1 phấn khởi cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thôn Tân Dưỡng 1 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cùng các thôn, xóm khác trong xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Tuy đã đảm bảo đúng theo tiêu chí nông thôn mới nhưng nhiều hạng mục công trình chưa thực sự đẹp, nhiều tuyến đường mới chỉ đảm bảo độ cứng hóa, chưa hoàn thiện các hạng mục như hệ thống thoát nước, bờ bo, vỉa hè. Với nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế-xã hội, thôn Tân Dưỡng 1 tiếp tục được "chọn mặt gửi vàng" làm điểm xây dựng thôn kiểu mẫu.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân ý thức được rằng sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cần phải gìn giữ, phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Do đó, Tân Dưỡng 1 bước vào triển khai xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu với sự quyết tâm và đồng thuận cao của nhân dân.
Về giải pháp xây dựng thôn kiểu mẫu, Bí thư Chi bộ thôn Tân Dưỡng 1 cho biết: Sau khi họp thôn để thống nhất kế hoạch, giải pháp, Tân Dưỡng 1 bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.
Trước tiên, thôn tập trung tu bổ đường giao thông thôn, đường ngõ xóm, trong đó trọng tâm là lát vỉa hè, làm bờ bo một số tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn; xây dựng hệ thống thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tiến hành tu bổ, nâng cấp công trình nhà văn hóa thôn đã xây dựng từ năm 2006 với diện tích còn nhỏ hẹp. Một vấn đề nữa mà thôn đẩy mạnh thực hiện là làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư.
Để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, Tổ thu gom rác thải mà nòng cốt là chị em phụ nữ tiến hành thu gom thường xuyên 2 buổi/1 tuần. Rác được tập kết về đúng nơi quy định để xe của huyện chở đi xử lý.
Ngoài ra, các hộ gia đình còn tự giác và có ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, thường xuyên quét dọn đường làng ngõ xóm.
Thôn kiểu mẫu được hiểu là thôn có kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; môi trường xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội giữ vững; nhà nhà, người người tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định, hương ước của cộng đồng.
Với những tiêu chí như trên, xã Ninh Vân đã chọn thôn Tân Dưỡng 1 và thôn Tân Dưỡng 2 làm điểm mô hình thôn kiểu mẫu, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã.
Với lộ trình đã đặt ra, hiện nay xã Ninh Vân và hai thôn đang tập trung huy động nguồn lực, sức mạnh của nhân dân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đạt tiêu chuẩn thôn kiểu mẫu vào tháng 6 năm 2017.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí
Theo ông Đỗ Khắc Khoát, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Ninh Vân xác định duy trì và phát triển các tiêu chí là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài. Do đó, ngoài các giải pháp xây dựng thôn kiểu mẫu, địa phương còn tập trung vào các vấn đề: nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong phát triển cơ sở hạ tầng, năm 2016 Ninh Vân ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường liên thôn, xóm, đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay xã đã làm trên 4 km đường liên thôn, sửa chữa tuyến đường giao thông thôn Tân Dưỡng dài 70m, thi công xây dựng công trình rãnh thoát nước, vỉa hè đoạn đường từ ngã 5 thôn Thượng đến ngã tư Chiến Mùi với chiều dài gần 1.000 m... Đặc biệt, xã đã khắc phục được con đường chở vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Cùng với đó, Ninh Vân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, phát huy thế mạnh có làng nghề truyền thống, địa phương đã đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ổn định sản xuất. Nâng cao hoạt động và quản lý làng nghề, đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, một số ngành nghề được duy trì ổn định như: chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, sản xuất đá xây dựng,... Riêng nghề chế tác đá mỹ nghệ, địa phương có 64 doanh nghiệp và 450 tổ hợp tác sản xuất, tạo việc làm cho 4.000 lao động, trong đó 3.000 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Giá trị sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp, làng nghề luôn chiếm tỷ trọng lớn, trên 80% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Hiện xã đã có khu làng nghề tập trung thu hút trên 70 hộ vào sản xuất.
Tuy nhiên, nhu cầu sản xuất của dân còn rất lớn, do đó trong thời gian tới Ninh Vân tiếp tục đề nghị với cấp trên cho phép triển khai xây dựng khu làng nghề tập trung giai đoạn 2.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản xuất ở cả ba lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Với nhiều giải pháp phát triển kinh tế được triển khai đồng bộ, Ninh Vân phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 33 triệu đồng/người, tăng 2 triệu đồng so với năm 2015.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hiện nay Ninh Vân đang tập trung nguồn lực để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí còn lại, phấn đấu đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng đi lên theo hướng bền vững.
Hồng Giang