Dẫn chúng tôi đi thăm công trình nhà văn hóa thôn Khả Lương được xây dựng khá hiện đại, rộng rãi với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, ông Lê Đức Nhã, Bí thư Chi bộ xóm 7, một cựu chiến binh chia sẻ: Phải là người con của quê hương, sinh sống và trưởng thành tại mảnh đất này mới thấy hết được sự chuyển biến của địa phương. Cũng như bao thanh niên địa phương, thời trẻ của tôi cũng trải qua những năm phục vụ trong quân ngũ. Khi về địa phương lại tiếp tục đảm nhiệm những công việc mà Đảng tín nhiệm, nhân dân giao phó. Hòa cùng không khí lao động, sản xuất và sinh hoạt với người dân quê, bản thân tôi được chứng kiến quá trình phát triển đi lên của quê hương rất đáng phấn khởi. Ngay như trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, dù điều kiện kinh tế chưa thực sự khấm khá, nhưng khi có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, người dân các xóm đều đồng lòng, chung sức đóng góp kinh phí, ngày công để công trình được hoàn thành. Rồi con em quê hương tuy ở xa quê nhưng cũng hướng tấm lòng bằng những việc làm thiết thực. Do đó, nhà văn hóa thôn Khả Lương được xây dựng từ năm 2013 với kinh phí lớn. Từ mấy năm nay đã trở thành địa điểm sinh hoạt tập thể quen thuộc của người dân các xóm. Có công trình nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, thôn Khả Lương còn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã, là nơi giao lưu văn hóa trong nhiều sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm của địa phương… Không chỉ có vậy, từ sự đồng lòng, chung sức, người dân đã tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động với mong muốn được góp chút công sức vào sự phát triển của địa phương. Nét nổi bật trong phát triển kinh tế ở Ninh Thắng là sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định sản lượng lương thực và có nguồn dự trữ hàng năm. Cùng với việc tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Ninh Thắng còn là xã tiên phong về phương thức gieo sạ, đảm bảo hạ chi phí, giá thành trong đầu tư thâm canh, tăng năng suất lúa với diện tích gieo sạ đạt trên 50%. Do đó, năng suất lúa năm 2014 đạt 12,7 tấn/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 735 kg/năm, giá trị đạt được trên 1 ha canh tác là 94,5 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ luôn được duy trì và phát triển cả ở quy mô và số lượng. Các nghề như: thêu ren, mộc, nề, phục vụ du lịch… thu hút từ 1.000 - 1.500 lao động tham gia. Hàng năm, xã đều quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng trăm lao động với các nghề: khâu chăn bông xuất khẩu, làm nấm rơm, thêu ren… nên đến nay toàn xã có 40,69% lao động qua đào tạo nghề. Với thuận lợi là địa phương vùng ven đô nên trong những ngày nông nhàn, nhiều lao động địa phương dễ dàng tìm kiếm được việc làm thuê tại thành phố và tại các khu, điểm du lịch. Do đó, lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên chiếm tới 96,2%. Lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng phát triển đạt giá trị 73,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 12,45% năm 2011 đến nay còn 3,25% và xã đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% vào cuối năm 2015.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 còn gắn liền với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã phát huy quy chế dân chủ và phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để hoàn thiện nhiều công trình phục vụ dân sinh. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực, sự vào cuộc của người dân địa phương, sự ủng hộ của con em quê hương, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 93 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 29 tỷ đồng, chiếm 32% tổng kinh phí. 5 năm qua, trên địa bàn xã đã triển khai xây dựng 7 công trình như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã… Xã đã triển khai bê tông hóa được 6.695m đường giao thông thôn, xóm, đào đắp được 6.492m3 thủy lợi, lắp đặt cống, tu sửa trạm bơm và các cống qua đê, xây dựng 1.330 m kênh cứng và kênh đầu mối phục vụ cho sản xuất và trồng cây vụ đông… Tại các thôn, xóm, công trình nhà văn hóa, điểm vui chơi công cộng cũng được người dân đồng tình triển khai, sớm đưa vào hoạt động. Vừa qua xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về Ninh Thắng bây giờ, không chỉ lĩnh vực phát triển kinh tế có những khởi sắc, mà cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Phong trào rèn luyện thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng được chú trọng. Các khu dân cư trên địa bàn đã duy trì và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đến nay, toàn xã có 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 9/9 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, 4/4 làng đạt làng văn hóa, 3/3 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa…
Bài, ảnh: Diệu Thảo