Một điều dễ nhận thấy sự thay đổi căn bản trong kết cấu hạ tầng của Ninh Nhất những năm gần đây, đó là hệ thống đường giao thông thôn, xóm đã được đổ bê tông sạch đẹp, nhiều con đường dài, rộng, kết nối được với các vùng trong xã.
Đồng chí Lê Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất phấn khởi cho biết: Đó là nhờ chủ trương của Thành ủy Ninh Bình (năm 2012) về việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị sử dụng nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố trên địa bàn các xã, phường.
Nhận thức rõ chủ trương của Thành ủy là đúng, trúng, phù hợp, rất cần thiết và đây là điều kiện để xã nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đang xuống cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết về công tác xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố.
Xã đã chỉ đạo các thôn, xóm rà soát các tuyến đường cần đầu tư xây dựng, đồng thời lên phương án cụ thể về nguyên vật liệu cho từng hạng mục và vận động nhân dân tham gia đóng góp công, của, hiến đất để các con đường giao thông sớm được hoàn thành.
Ban chỉ đạo của xã được thành lập, tại các khu dân cư thành lập các Ban quản lý các công trình xây dựng, trong đó có đại diện các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát.
Ban đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã đã gặp không ít khó khăn vì với mức thu nhập còn hạn chế thì việc huy động sức dân đóng góp là điều không dễ. Mặt khác, nhiều người dân vẫn còn tư tưởng chông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương của thành phố cũng như Nghị quyết của Đảng bộ xã, Đảng ủy, UBND xã Ninh Nhất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, thôn xóm vào cuộc, đồng thời phát động và xây dựng mô hình "Dân vận khéo": Vận động nhân dân tham gia xã hội hóa làm đường giao thông, góp phần xây dựng đô thị văn minh.
Việc vận động nhân dân hiến đất, làm đường giao thông đã được Ninh Nhất thực hiện theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Ban quản lý các công trình xây dựng ở các thôn, xóm đã tổ chức các cuộc họp bàn để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp những băn khoăn của người dân.
Các thành viên trong Ban quản lý đến từng hộ dân để gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích, đồng thời các thành viên trong Ban quản lý cũng là những người gương mẫu ủng hộ tiền, vật liệu và thường xuyên hội ý các công việc để dự án mở đường trong thôn, xóm được thành công.
Cùng với Ban quản lý, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát trong suốt quá trình thi công các tuyến đường, thông báo công khai các khoản tài chính nhân dân ủng hộ, cũng như các khoản chi cho công tác giải phóng mặt bằng, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Chỉ tính riêng trong 2 năm (2012-2014), thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng của thành phố, Ninh Nhất đã tiếp nhận 4.925 tấn xi măng để làm 664 công trình đường giao thông với tổng chiều dài 26.800 m và một số công trình văn hóa, phúc lợi công cộng khác như nhà văn hóa thôn, xóm với tổng diện tích 2.232m2.
Điều đáng nói, ngoài nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố, nhân dân đóng góp khoảng 15 tỷ đồng, đặc biệt có 16 hộ dân hiến 336,7 m2 đất, phá dỡ tường rào và nhà ở với diện tích là 501,6 m2 để các công trình sớm hoàn thành.
Tiêu biểu trong phong trào này là các thôn Thượng Nam, thôn Bình Khê, thôn Tiền, thôn Thượng. Cùng với sự đóng góp của nhân dân, Ninh Nhất tranh thủ sự quan tâm của các doanh nghiệp trên địa bàn như Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Tài Anh đã hỗ trợ 500 triệu đồng để làm đường giao thông.
Đặc biệt, năm 2016, thực hiện Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ninh Nhất là một trong 55 xã của tỉnh có tính chất đặc thù đã nhận được sự hỗ trợ từ Báo Ninh Bình (đơn vị phụ trách) và Doanh nghiệp Xuân Thành (đơn vị kết nghĩa).
Theo đó, trong năm 2016, Doanh nghiệp Xuân Thành đã quyết định hỗ trợ xã Ninh Nhất 200 tấn xi măng để giúp xã hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn.
Nhờ có sự trợ giúp tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và huy động sức dân, đến nay 95% đường giao thông của Ninh Nhất được nâng cấp, cải tạo và đổ bê tông; nhiều công trình, hạng mục phục vụ đời sống dân sinh như: trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa, nước sạch… cũng được quan tâm đầu tư.
Nhiều tuyến kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, góp phần đảm bảo tưới, tiêu, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương, đưa Ninh Nhất ngày càng phát triển theo tiêu chí trở thành phường trong tương lai không xa.
Đức Nghĩa