Tính từ năm 2005 đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã bị thu hồi là 202,5 ha, chiếm 46,7% tổng diện tích đất nông nghiệp. Tổng số người trong độ tuổi lao động lao động của xã là 2.991 người, trong đó số người có việc làm ổn định là 977 người; số người có việc làm không ổn định là 1.095 người, chiếm gần 37%, còn lại là lao động không có việc làm. Giải bài toán kinh tế và vấn đề an sinh xã hội tại địa phương, xã đã cân nhắc, lựa chọn và triển khai thực hiện nhiều giải pháp khả thi, phù hợp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, phát triển mô hình các trang trại, mở rộng sản xuất vụ đông, đặc biệt tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Bước đi này đang khẳng định đúng hướng, hiệu quả.
Nhận thấy địa thế của xã nằm trên trục đường chính đi vào khu du lịch Tràng An, khu tâm linh núi chùa Bái Đính - khu du lịch đang thu hút đông du khách khắp trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, là điều kiện, cơ hội thuận lợi để khai thác, phát triển kinh tế du lịch và sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho du lịch, do vậy Ninh Nhất chủ trương vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong xã tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó chú trọng đến các sản phẩm dùng làm hàng lưu niệm cho du khách. Năm 2009, trên địa bàn xã đã có doanh nghiệp Vạn Bảo Ngọc mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ này, từ nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào như gỗ, tre, nứa. Bước đầu đi vào hoạt động, sản phẩm của doanh nghiệp đã có uy tín, chiếm lĩnh được thị trường du lịch trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho 35 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 1,2 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp tạo được dấu ấn đối với du khách thập phương khi đến với Ninh Bình, nhất là trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như sản phẩm: Rồng Thời Lý, Khuê Văn Các… Cũng nhờ đó hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng và có đơn đặt hàng, với vài nghìn sản phẩm. Đây là một mô hình sản xuất cần quan tâm, hỗ trợ để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa và nên được nhân ra diện rộng, vì đây không chỉ là cơ sở sản xuất hàng thủ công, tạo việc làm cho nhân dân địa phương mà còn là cơ sở đào tạo lao động có tay nghề cho thành phố và sẽ là điểm làng nghề du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển. Hiện xã Ninh Nhất đang xây dựng đề án trình UBND thành phố phê duyệt về việc phát triển nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Theo đó, sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại đây; đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thành điểm tham quan du lịch cho du khách.
Đi đôi với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, để đa dạng các ngành nghề, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, ngoài đẩy mạnh sản xuất, thâm canh tăng năng suất lúa và hoa màu trên những diện tích đất nông nghiệp còn lại, xã đã vận động nhân dân tham gia làm nghề trồng nấm linh chi, mộc nhĩ và xây dựng thành một đề án phát triển cụ thể. Đây không chỉ là thức ăn mà còn là dược phẩm phục vụ cho sức khỏe của con người, đang được người tiêu dùng sử dụng nhiều, thị trường tiêu thụ khắp trong và ngoài nước. Từ cuối năm 2010 Ninh Nhất triển lựa chọn triển khai các mô hình trồng thí điểm trong các thôn xóm. Trong đó, tập trung cho các hộ có kinh nghiệm trong nghề trồng nấm như gia đình ông Hà Văn Lê, thôn Thượng Nam, hỗ trợ xây dựng lán trại, diện tích trồng, lò sấy, mua giống, mua nguyên vật liệu. Dự kiến, mỗi mô hình, một năm sẽ thu 1 vụ nấm linh chi và một vụ mộc nhĩ, nếu diện tích trồng khoảng 200 m2 sẽ sản xuất ra sản lượng 200 kg nấm linh chi, 720 kg mộc nhĩ khô, doanh thu ước đạt trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động thường xuyên với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng. UBND xã sẽ phối hợp với các phòng chức năng của thành phố thường xuyên giám sát, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện, kết quả của các hộ trồng thí điểm, để từ thành công của các mô hình này sẽ áp dụng và nhân ra diện rộng trong toàn xã. Ngoài ra xã còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ dân không ngừng mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ hàng hóa, vận tải, vận chuyển,…nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thanh Thủy