Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo của xã đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu của người lao động, từ đó có kế hoạch định hướng, tư vấn đào tạo cho người lao động. Ban chỉ đạo cũng mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người lao động trên địa bàn trong việc thực hiện các điều khoản về tiền lương, việc làm và thời hạn... theo hợp đồng XKLĐ mà người lao động đã cam kết. Xã cũng tạo điều kiện cho những đơn vị làm công tác XKLĐ về địa phương tư vấn xuất khẩu lao động cho nhân dân.
Với những nỗ lực đó, công tác XKLĐ của xã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đỉnh cao là vào những năm 2000, toàn xã có trên 300 lao động đi XKLĐ ở các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia và Trung Đông. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn hơn 200 lao động của xã đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hàng năm, bằng số tiền những lao động này gửi về, các gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm. Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 12,5% (năm 2010) xuống còn 6,91% (năm 2012) và theo kết quả điều tra ban đầu, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 có thể giảm xuống dưới 5%.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác XKLĐ của xã có dấu hiệu chững lại. Ông Nguyễn Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết, nguyên nhân chính nằm trong nhận thức của người lao động. Đại bộ phận lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông (chiếm trên 80%) nên tác phong làm việc và kỹ năng thương lượng với đối tác còn yếu, khi vi phạm nội quy lao động đã bị xuất cảnh buộc phải về nước trước thời hạn. Bên cạnh đó, thông tin thị trường của một số doanh nghiệp XKLĐ chưa đầy đủ nên ký phải hợp đồng thu nhập thấp, thị trường đến làm việc chưa tốt.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận thực tế là công tác đào tạo và giáo dục định hướng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và cần thiết cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc chưa được kỹ càng… Trong khi đó, một số lao động đi xuất khẩu vi phạm kỷ luật buộc phải về nước trước thời hạn đưa thông tin chưa đúng sự thật làm cho một số lao động chưa đi ngần ngại. Một bộ phận không nhỏ người lao động vẫn còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, muốn có việc làm, thu nhập cao mà chưa chịu học tập nâng cao tay nghề, rèn luyện ý thức kỷ luật, phong cách làm việc theo tác phong công nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hoàn, lao động Ninh Hòa chủ yếu làm việc tại Malayxia. ở thị trường này, tuy điều kiện làm việc và khí hậu phù hợp với lao động của địa phương, nhưng mức thu nhập còn thấp so với các thị trường khác, do đó những năm gần đây, lao động địa phương đã chuyển hướng làm việc tại các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, là số lao động tham gia thị trường Hàn Quốc rất lớn, chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Trao đổi với anh Trần Hồng Vân, một lao động của Ninh Hòa về nước sau khi hết hạn hợp đồng với phía doanh nghiệp Hàn Quốc từ tháng 6-2013, anh Vân cho biết: Cùng làm việc với tôi ở bên Hàn Quốc có rất đông lao động Việt Nam. Song, khi hết hạn hợp đồng thì số lao động về nước chỉ chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu, là do mức phí để tham gia vào thị trường Hàn Quốc khá cao. Nếu chỉ làm việc trong thời hạn hợp đồng thì số tiền tích lũy được sau khi trừ "vốn" vẫn thấp. Trong khi đó, tâm lý người lao động sợ nếu về nước thì sẽ khó có cơ hội trở lại thị trường Hàn Quốc. Trong khi đó, cơ hội để tìm một việc làm khác khi hết hạn hợp đồng thì lại không quá khó. Vì phần lớn các chủ doanh nghiệp đều muốn tuyển được những lao động có kinh nghiệm, lành nghề và giỏi tiếng. Do đó, nhiều lao động chấp nhận may rủi, bỏ trốn ra làm việc ở bên ngoài chứ không chịu về nước khi hết hạn hợp đồng…
Ông Nguyễn Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết thêm, hiện, tỷ lệ lao động Ninh Hòa đi XKLĐ tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn lên đến trên 80%. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và Sở LĐ,TB&XH, xã đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể về tuyên truyền, vận động người lao động ở Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng. Trước mắt, xã thành lập các tổ đến tuyên truyền, vận động người thân ký cam kết, khuyến khích lao động về nước đúng quy định. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh một số chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động mẫu mực, tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc… Đến nay, 100% gia đình có người thân đi lao động ở Hàn Quốc đã ký cam kết vận động người thân trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng.
Với người dân Ninh Hòa, XKLĐ là con đường ngắn nhất để thoát nghèo. Hiện Ninh Hòa còn 200 lao động có nguyện vọng được đi làm việc tại Hàn Quốc. Rất nhiều người trong số họ đã, đang hoàn thiện hồ sơ, vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn nhưng vẫn chưa được xuất cảnh. Lý do vì Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam do nhiều người không trở về nước khi hết hạn hợp đồng.
Bên cạnh việc cần thiết phải có những chế tài đủ mạnh, thì hơn lúc nào hết, ý thức đoàn kết, tự giác, tự nguyện của lao động Ninh Hòa nói riêng và cả nước nói chung mới thực sự là chìa khóa mở cửa lại thị trường lao động Hàn Quốc.
Bài, ảnh: Đào Hằng