Trước khi gắn bó với nghề chăn nuôi, gia đình ông Vũ Văn Thể (thôn Bãi Trữ) là hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Do nhà đông con, lại phụ thuộc hoàn toàn vào làm nông nghiêp nên cái nghèo cứ đeo bám. Từ năm 2011, được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông đã tập trung vào phát triển chăn nuôi và đạt hiệu quả cao.
Từ đôi cái ban đầu, ông đã nhân rộng đàn trâu của gia đình lên 20 con và nuôi thí điểm thêm 13 con lợn rừng. Với thu nhập bình quân đạt trên 180 triệu đồng/năm, gia đình ông không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả.
Anh Nguyễn Trường Luật (xóm Nam) cũng chọn cho mình mô hình nuôi cá thâm canh để sản xuất. Được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Nông dân, anh đã xây dựng và phát triển thành công mô hình, đạt sản lượng gần 3 tấn cá, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thu nhập được chính quyền xã Ninh Giang đánh giá là yếu tố then chốt trong sự phát triển kinh tế tại địa phương. Thực tiễn cũng cho thấy, người dân có thu nhập tốt sẽ tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Do đó, để thực hiện hiệu quả tiêu chí này, Đảng bộ và nhân dân xã Ninh Giang đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tối đa lợi thế vùng miền nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Tống Vạn Tường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đổi mới bộ mặt nông thôn, xã còn chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác.
Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" xã tiến hành quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển thế mạnh của địa phương là kinh tế trang trại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư thêm cơ sở mới, mở rộng sản xuất, thu hút lao động nên người dân không còn phụ thuộc nhiều vào đồng ruộng. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã hiện nay chưa đến 300 ha, chủ yếu trồng các loại lúa chất lượng cao như: Thiên ưu 8, QR1,…
Từ năm 2014 đến nay, các tổ chức tín dụng đã huy động hỗ trợ cho 188 hộ vay với số tiền 4.121 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện nay toàn xã có 21 trang trại, gia trại; 42 hộ nuôi trồng thủy sản, 25 hộ chăn nuôi trâu bò.
Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng/năm, sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt trên 3.760 tấn, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Nhờ sự chung sức đồng lòng từ chính quyền đến người dân, diện mạo xã Ninh Giang ngày càng "thay da đổi thịt". Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của xã đạt 19 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 33 triệu đồng/người/năm.
Đồng thời, số hộ nghèo trên địa bàn đã giảm còn 60/2.372 hộ, chiếm tỷ lệ 2,53%, giảm 2,97% so với năm 2011. Nhà cửa, các khu dân cư được chỉnh trang, xây mới..., thu nhập tăng đồng nghĩa với đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng cao.
Để giữ gìn và phát huy thành quả đã đạt được, Ninh Giang tiếp tục phấn đấu thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình hay, tạo thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, xã sẽ triển khai các dự án để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch góp phần tạo thêm nhiều việc làm thường xuyên cho người lao động. Phấn đấu đến hết năm 2020, bình quân thu nhập người dân trong xã đạt 50 triệu đồng/năm.
Vân Anh