Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến năm 2006 , thế giới có khoảng 45 triệu người mù và 314 triệu người bị khiếm thị, bao gồm cả nguyên nhân do các bệnh về mắt và tật khúc xạ không được chỉnh kính.
Với sự nỗ lực lớn của ngành Y tế và ngành Mắt trong nhiều năm qua, tỷ lệ mù lòa tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Theo kết quả điều tra năm 2007, bệnh mù lòa đã giảm xuống còn 1/3 so với năm 1995. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 381 nghìn người mù và 1.671 nghìn người có thị lực thấp.
Phương pháp mổ đục TTT đã và đang phát triển, thu được nhiều kết quả tốt. Số mổ đục TTT mỗi năm đã tăng từ 10.000 ca năm 1986 đến 123.266 ca năm 2008, trả lại ánh sáng cho nhiều người mù.
Tuy nhiên, số tồn đọng mù do đục TTT còn rất lớn, một số căn bệnh nhiễm khuẩn và thiếu dinh dưỡng như mắt hột và khô mắt do thiếu vitamin A vẫn còn tồn đọng ở một số vùng trong cả nước, một số căn bệnh mới nổi lên như tật khúc xạ, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc tiểu đường và cao huyết áp ở người lớn đang ngày càng trở thành vấn đề thị giác đáng quan tâm.
Tại Ninh Bình, ước tính hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 người mù và khoảng 20.000 người thị lực kém. Hiện Ninh Bình là địa phương dẫn đầu cả nước có người tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, nhằm mang lại ánh sáng cho những người không may bị mù lòa do bệnh lý giác mạc.
Khám, mổ đục thủy tinh thể lưu động ở xã Gia Tân (Gia Viễn).
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ chuyên ngành mắt trong tỉnh, ngành Y tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, như: Giảm tỷ lệ mắt hột hoạt tính từ khoảng 20% năm 1992 xuống dưới 5%; mổ đục TTT tăng từ 200 ca/năm lên 1.007 ca/năm, xếp thứ 27 trong công tác mổ đục TTT trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc mắt ở Ninh Bình còn nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó còn gần 5.000 người đang cần được phẫu thuật đục TTT; 10.000 học sinh mắc tật khúc xạ cần phải chỉnh kính. Hiện nay, chúng ta cũng chỉ bước đầu đưa công tác kiểm tra thị lực vào trong nhà trường, các quầy kính trong tỉnh hầu như chưa đạt tiêu chuẩn và chưa thực hiện đúng kỹ thuật.
Vừa qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức ORBIS quốc tế, một phòng khám tật khúc xạ, phòng mài lắp kính được trang bị hiện đại với đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo bài bản đã đi vào hoạt động và sẽ phát huy tốt tác dụng.
Số trẻ em bị khô mắt do thiếu vitamin đã được khống chế nhưng một số bệnh về bán phần sau có xu hướng gia tăng trong bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh cao huyết áp…, cần phải có kế hoạch kiểm soát. Một số biến chứng mù lòa do bệnh mắt hột, glôcôm, do chấn thương bước đầu được cải thiện nhưng phải tích cực hơn nữa.
Thời gian tới, chương trình phòng, chống mù lòa của tỉnh phấn đấu 85% số người mổ đục TTT có thị lực từ 3/10 trở lên sau 1 tháng. Phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đưa công tác khám sàng lọc thị lực vào trường học, quản lý từng bước chất lượng kê đơn, cấp kính trên địa bàn. Giải quyết từng bước các bệnh gây mù khác như: Lông quặm, đục bao sau sau mổ đục TTT, glôcôm, võng mạc tiểu đường, bệnh cao huyết áp…
Quan tâm đến đối tượng trẻ em bị dị tật mắt. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe các bệnh mắt trên các kênh thông tin đại chúng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nhằm làm cho người dân nâng cao hiểu biết và biết cách phòng, chữa bệnh mắt.
Có kế hoạch định hướng phát triển ngành Mắt Ninh Bình ngày càng chuyên sâu, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, hướng tới cuộc sống ngày càng có chất lượng.
Bác sĩ Tô Thị Hoa
(Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội)