Bộ máy vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả
Ngay sau lễ công bố sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình mới, để vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, trong ngày 1/7, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 4 Nghị quyết, trong đó có 3 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành liên tục, hiệu lực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu của chính quyền địa phương cấp tỉnh sau hợp nhất.
Tiếp đó, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị để thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; dự thảo Kế hoạch của BCH Đảng bộ tỉnh về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vấn đề phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ; về việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay trong thời gian tới…
Tại 129 xã, phường trong toàn tỉnh đã tổ chức các cuộc họp ban thường vụ (BTV), BCH đảng bộ; tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND và công bố các quyết định về công tác cán bộ. Tất cả tạo cơ sở quan trọng cho việc kịp thời triển khai các nhiệm vụ của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn.
Ngay sau khi thực hiện việc sáp nhập phường Lộc Hoà và các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà thành phường Đông A, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phường Đông A đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới, bắt tay ngay vào công việc theo sự phân công cụ thể. Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường ngay trong những ngày đầu vận hành bộ máy mới, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được triển khai nghiêm túc, bài bản, mang lại sự hài lòng cho người dân. Ông Nguyễn Văn Lệ, tổ dân phố 9 đến làm thủ tục chứng thực chữ ký, cho biết: “Tôi và nhiều người dân được cán bộ Trung tâm hướng dẫn nhiệt tình, nhờ vậy đã nhanh chóng hoàn thành việc nộp hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia”.
Để bộ máy chính quyền đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả sau sáp nhập, trước đó, phường Nam Hoa Lư đã kiện toàn bộ máy cấp uỷ, chính quyền. UBND phường cũng đã nhanh chóng ổn định phương án bố trí phòng ban, sắp xếp nơi làm việc, đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, bộ máy, công tác chỉ đạo, điều hành của phường hoạt động “trơn tru”, người dân không gặp khó khăn, vướng mắc nào khi đến giải quyết các thủ tục hành chính công. Chị Lê Thị Thái Hà, Chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Nam Hoa Lư cho biết: “Trong công việc, cán bộ Trung tâm đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính. Tạo điều kiện cho Trung tâm hoạt động hiệu quả, phường còn bố trí không gian làm việc rộng rãi, các loại máy móc, nâng cấp hệ thống mạng, đường truyền. Vì thế, cán bộ chuyển và nhận hồ sơ nhanh, đảm bảo tiến độ công việc”.
Ông Mai Văn Tài, phường Nam Hoa Lư chia sẻ: “Đến phường làm thủ tục hành chính liên quan đến quyền thừa kế, tôi được cán bộ đón tiếp niềm nở, giải thích, chỉ dẫn cụ thể, chi tiết từng vướng mắc. Theo quan sát của tôi, đa số người dân đến Trung tâm làm các thủ tục hành chính đều hài lòng với cách tiếp dân và giải quyết công việc nhanh gọn, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ”.
Xã Bình An được sáp nhập từ các xã Trung Lương, Ngọc Lũ, Bối Cầu, An Nội và Hưng Công. Xã có diện tích 37,76 km2, dân số 38.881 người. Những ngày sau sáp nhập, không khí làm việc của cán bộ, công chức xã diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Để bộ máy hoạt động thông suốt sau sáp nhập, Đảng uỷ xã đã tổ chức Hội nghị BTV, BCH Đảng bộ, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn và triển khai mô hình chính quyền 2 cấp. Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Khác với chính quyền địa phương 3 cấp trước đây, giờ cấp xã giữ vai trò then chốt trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. Chủ tịch UBND xã hiện nay đảm nhiệm 17 nhiệm vụ và quyền hạn, từ bảo đảm an ninh trật tự, quản lý tài chính công, quy hoạch xây dựng đến giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các tình huống khẩn cấp. Khối lượng công việc lớn hơn, phạm vi điều hành rộng hơn, nhưng bản thân tôi và đội ngũ cán bộ, công chức xã đã nhanh chóng bắt nhịp, không để phát sinh vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp”.
Phục vụ người dân ngày càng tốt hơn
Sau gần 2 tuần triển khai thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, phường Phủ Lý đã hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Phường Phủ Lý được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường Châu Cầu, Thanh Châu, một phần phường Quang Trung và phường Liêm Chính. Sau sáp nhập, phường Phủ Lý có diện tích 12,8 km2, dân số hơn 58 nghìn người. Từ Hà Nội về Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phủ Lý làm thủ tục đăng ký kết hôn, anh Mai Văn An hài lòng vì được đón tiếp niềm nở, tận tình. “Đến Trung tâm, tôi được các bạn thanh niên tình nguyện của phường hướng dẫn lấy số thứ tự, cán bộ nhẹ nhàng, chu đáo giải thích kỹ từng vướng mắc một nên tôi rất yên tâm”, anh An cho biết.
Có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Khê để tìm hiểu trình tự, thủ tục làm sổ đỏ, ông Đỗ Hữu Thành, thôn Vạn Diệp 2 rất phấn khởi: “Vừa rồi tôi được trao quyền thừa kế một thửa đất, tôi muốn làm sổ đỏ cho thửa đất mới. Vì vậy, ngay từ sáng sớm tôi đã đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường để hỏi về các thủ tục xin cấp sổ đỏ. Tại đây, các cán bộ không chỉ lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của tôi mà còn tư vấn, giải thích kỹ trình tự các bước làm thủ tục sổ đỏ, hướng dẫn tôi làm hồ sơ, chuẩn bị các loại giấy tờ liên quan. Nắm rõ quy trình, tôi sẽ về nhà chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian sớm nhất”.
Từ ngày 1 đến ngày 10/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Khê đã tiếp nhận 289 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận trực tiếp 283 hồ sơ, 6 hồ sơ công dân nộp trực tuyến, đã giải quyết đúng hạn 276 hồ sơ, 13 hồ sơ đang trong thời hạn xử lý. Chị Hoàng Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Khê cho biết: “Trong những ngày đầu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến đôi khi còn chậm và quá tải, có lỗi xảy ra. Khi gặp vấn đề về lỗi hệ thống, chúng tôi giải thích kỹ cho người dân hiểu, thông cảm. Khi hệ thống đã vận hành ổn định, các cán bộ của Trung tâm nhanh chóng bắt tay vào xử lý công việc, tránh tình trạng để người dân phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần”.
Ghi nhận tại các trụ sở hành chính trong tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức có mặt đầy đủ, đúng giờ, nhiệt tình khi xử lý công việc. Người dân đến giao dịch hành chính được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Qua đó, thể hiện sự chủ động, linh hoạt từ sớm, cần thiết của hệ thống chính quyền nhằm bảo đảm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được tốt nhất.
Với sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở Ninh Bình đã giúp địa phương dần khắc phục các khó khăn ban đầu, tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở. Từ đó, tỉnh từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn.