Trong năm 2017, ước tính số chi KCB BHYT toàn tỉnh là 1.033 tỷ đồng, tương ứng bội chi 424 tỷ đồng, vượt 69,6% kế hoạch được giao. Để giảm bội chi quỹ BHYT, ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nhanh tình trạng bội chi, từng bước cân đối quỹ KCB BHYT.
Bệnh viện Phổi Ninh Bình có nhiệm vụ chuyên điều trị các bệnh mãn tính về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, trong đó 100% bệnh nhân là chuyển tuyến. Bác sỹ Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: Thực hiện theo Thông tư 37 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 1/4/2017, tất cả các cơ sở KCB đồng loạt thực hiện việc tăng giá viện phí theo mức có kết cấu mức phụ cấp tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Như vậy dịch vụ KCB tăng, các chi phí ngày càng tăng, do đó, để giảm bội chi quỹ BHYT, Bệnh viện Phổi đã có những giải pháp bằng việc nâng cao công tác chẩn đoán, xét nghiệm, sử dụng các kết quả của các bệnh viện khác để làm căn cứ điều trị, từ đó giúp giảm chi phí KCB cho từng bệnh nhân.
Cùng với đó, Bệnh viện đã tiến hành các giải pháp khác như nâng cao trách nhiệm của bác sỹ trong việc khám chữa bệnh, chỉ định dùng thuốc phù hợp với từng người bệnh. Đối với các bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, các bác sỹ đã kê đơn, hướng dẫn cho bệnh nhân sử dụng thuốc đúng, hiệu quả, hàng tháng tái khám. Kết quả, trong tháng 11/2017, Bệnh viện đã giảm được số ngày điều trị nội trú trung bình từ 17 ngày xuống còn 14 ngày; giảm số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện trung bình từ 120 người xuống còn dưới 100 người, giảm 15%; chi phí KCB tháng 11 giảm xuống 1,7 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với tháng 10/2017.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2017, quỹ khám chữa bệnh BHYT tỉnh đã chi hơn 700 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Với tốc độ gia tăng như vậy, nếu không có giải pháp tiết kiệm chi phí thì ước tính chi KCB BHYT toàn tỉnh năm 2017 là 1.033 tỷ đồng, tương ứng bội chi 424 tỷ đồng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan như Sở Y tế, ngành BHXH và các cơ sở KCB có các biện pháp giảm chi phí KCB trong toàn ngành. Đồng thời thực hiện giao chỉ tiêu trong quý IV/2017, giảm chi phí KCB của mỗi cơ sở KCB BHYT xuống 6% tính trên tổng số chi phí KCB của quý IV/2016; năm 2018, giảm 7% so với năm 2016. Đây là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng của từng đơn vị và đánh giá thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng các cơ sở KCB và toàn ngành Y tế.
Để thực hiện giảm bội chi quỹ KCB BHYT, ngành BHXH và ngành Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó chỉ rõ những nguyên nhân làm bội chi quỹ BHYT thời gian qua, tìm ra những giải pháp căn cơ nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm chi. Theo đó, nguyên nhân chính được xác định là do thực hiện Thông tư 37 của Bộ Y tế về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, từ đó làm gia tăng chi phí sử dụng dịch vụ KCB. Cùng với đó, với việc thực hiện thông tuyến KCB các bệnh viện tuyến huyện đã làm tăng lượt bệnh nhân KCB. 9 tháng đầu năm 2017, tổng số lượt bệnh nhân KCB tăng lên trên 1,1 triệu lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ, từ đó dẫn đến tổng mức chi quỹ KCB tăng 713 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến bội chi cao là tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, dẫn đến chi phí đa tuyến đi tăng nhanh. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan như công tác thanh, kiểm tra, giám định còn hạn chế; trách nhiệm quản lý quỹ của các cơ sở KCB chưa cao… dẫn đến xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Từ việc nhìn nhận, đánh giá, xác định các nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT, 2 ngành BHXH và Y tế đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng bệnh viện. Trong đó tập trung vào việc nâng cao công tác chẩn đoán, xét nghiệm, giảm số ngày điều trị.
Cùng với đó, ngành BHXH đã tăng cường công tác giám định chi phí KCB BHYT, giảm tần suất điều trị nội trú bình quân chung toàn tỉnh. Đồng thời ngành bố trí, sắp xếp cán bộ giám định thường trực tại cơ sở KCB để kiểm soát chặt chẽ đầu vào, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về KCB như: Mượn thẻ BHYT, thẻ sai tên người khám, thẻ đã hết hạn sử dụng... Các cán bộ giám định của BHXH tỉnh cũng tăng cường rà soát các cơ sở KCB sử dụng các thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa, đảm bảo việc sử dụng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng quy định; kiểm tra đánh giá định mức kinh tế, kỹ thuật trong KCB và chứng chỉ hành nghề tại nhiều cơ sở KCB; hạn chế sử dụng thuốc hỗ trợ, thuốc biệt dược gốc, thuốc đắt tiền trong điều trị bệnh. Trong tháng 11, ngành BHXH đã tiến hành 367 cuộc kiểm tra việc thực hiện KCB BHYT ngoại trú, nội trú tại các cơ sở KCB trong và ngoài giờ hành chính thứ 7, chủ nhật. Công tác giám định được thực hiện theo nhiều hình thức: Giám định qua hồ sơ, giám định trực tiếp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Ngành BHXH cũng đã bố trí giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB để phối hợp tư vấn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Rà soát và cân đối lại nguồn kinh phí KCB BHYT cả năm 2017 của tỉnh, đề xuất nguồn kinh phí cấp ứng cho quý IV/2017 để đảm bảo cho các cơ sở KCB BHYT hoạt động. Đồng thời ngành BHXH tiếp tục ứng dụng CNTT trong thanh quyết toán BHYT, kết nối liên thông dữ liệu theo đúng thời gian và đảm bảo chất lượng theo quy định. Trong việc thực hiện quản lý quỹ KCB BHYT, ngành BHXH và ngành Y tế thống nhất quan điểm đó là: Tiết kiệm trong KCB không phải là cắt giảm quyền lợi của người bệnh mà là sử dụng đúng, đủ cho những bệnh nhân thực sự cần sử dụng các dịch vụ y tế, không lãng phí. Nếu các dịch vụ kỹ thuật thực sự cần thiết, phục vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh thì dù có chi bao nhiêu, trong phạm vi quyền lợi được hưởng thì quỹ cũng vẫn chi trả. Còn nếu chỉ định dịch vụ chưa đến mức cần thiết, hoặc cơ sở lạm dụng để lấy nguồn thu thì BHXH sẽ xuất toán, không chi trả.
Với sự phối hợp tích cực, chặt chẽ và các giải pháp đồng bộ giữa các ngành liên quan, trong tháng 11/2017, số lượt người đi KCB BHYT đã giảm so với tháng 10 là gần 12 nghìn lượt, tương ứng giảm 8%; chi phí KCB BHYT của tỉnh giảm xuống còn 67 tỷ đồng, tương ứng giảm 8%. Trung bình ngày điều trị nội trú của toàn tỉnh là 7,6 ngày/đợt điều trị, giảm 0,48 ngày/đợt điều trị so với tháng 10/2017.
Theo ông Tống Mạnh Cường, Trưởng phòng Giám định - BHXH tỉnh, vấn đề bội chi quỹ có thể kiểm soát được nếu có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa 2 ngành BHXH và Y tế cũng như giữa các cơ sở KCB trong tỉnh. Theo đó, BHXH tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thêm đối tượng tham gia BHYT, từ đó gia tăng nguồn quỹ KCB BHYT. Đối với các cơ sở KCB BHYT, cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng thẻ BHYT của người bệnh; giải quyết tình trạng sử dụng các chi phí không hợp lý và phải có biện pháp tích cực rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc chỉ định, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng hợp lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, cả hai ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người bệnh về trách nhiệm đối với việc KCB của mình - không thực hiện KCB nhiều lần, không đi nhiều nơi trong cùng tuyến để KCB lấy kết quả.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm bội chi quỹ KCB BHYT, ngành BHXH tỉnh tăng cường phối hợp với ngành Y tế tiến hành thanh, kiểm tra tại các cơ sở KCB có chi phí KCB gia tăng bất thường, có biểu hiện lạm dụng quỹ KCB, xử lý nghiêm theo quy định. Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ đề ra như trên, trong quý IV/2017, Ninh Bình sẽ thực hiện giảm 6% tính trên tổng số chi phí KCB của quý IV/2016 theo mục tiêu đề ra, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bội chi quỹ, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Mỹ Hạnh