Tại hội nghị bàn biện pháp khắc phục và khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức, các đại biểu dự hội nghị đã đi sâu tìm những biện pháp tiếp tục sản xuất vụ đông với tinh thần " trời làm mất, bắt đất phải bù".
Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các địa phương là rà soát, kiểm tra, nắm chắc tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở địa phương mình một cách chính xác, cụ thể ở các lĩnh vực cây trồng, con nuôi, thủy sản, đê điều, công trình thủy lợi, giao thông, nước sạch… để có biện pháp nhanh chóng khắc phục, ổn định cuộc sống nhân dân.
Khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố về công trình thủy lợi, trạm bơm, máy bơm, kênh mương; thực hiện tu bổ đê điều. Tập trung chỉ đạo khoanh vùng những diện tích cây đông còn có khả năng phục hồi để bơm tiêu kiệt nước và hướng dẫn cho nhân dân chăm sóc cho cây đông sau mưa úng như xới xáo phá váng, vệ sinh đồng ruộng, té nước rửa lá cây bị bùn đất bám vào, dùng phân bón qua lá hoặc bón gốc (lân, NPK) nhằm hỗ trợ cho cây nhanh chóng hồi phục. Chỉ đạo các hộ nông dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản, tiếp tục chăm sóc thủy sản, tận thu các ao đầm bị ngập lụt.
Phun thuốc phòng trừ dòi đục nõn cho cây đậu tương đông
trên đất 2 lúa ở huyện Nho Quan. Ảnh: Huy Hoàng
Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua lao động sản xuất ở các cấp, các ngành, khẩn trương trồng tiếp cây vụ đông còn trong khung thời vụ cho phép. Theo ý kiến của các cán bộ kỹ thuật thì loại cây trồng còn trong khung thời vụ là khoai tây, khoai lang, rau các loại…Toàn tỉnh phấn đấu trồng tiếp gần 5.000 ha, trong đó: Khoai tây 1.129 ha, khoai lang 1.060 ha, rau 2.441 ha, khoai sọ 250 ha, ớt 20 ha…
Một vấn đề đặt ra là nguồn giống cung ứng cho sản xuất. Theo ý kiến của các nhà cung ứng giống trên địa bàn (Công ty CP giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang) thì các đơn vị này cũng đang rất khó khăn về vốn, nhưng sẽ bố trí, sắp xếp, liên hệ đáp ứng đủ yêu cầu về giống (khoai tây, rau) cho các đơn vị đăng ký.
Về chính sách, trước mắt tỉnh vẫn thực hiện theo cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông như trước đây. Khi đã có sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ tiếp theo quy định. Riêng đối với các xã vùng bị ngập lụt nặng, ngoài việc điều tra xác minh cụ thể chính xác những thiệt hại như trên thì phải tranh thủ tháo cống tiêu nước, khơi thông dòng chảy, tu bổ đê điều, tu bổ kênh mương, trạm bơm bị sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng, ngăn chặn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường sau lũ. Nước rút đến đâu huy động mọi lực lượng tham gia vệ sinh môi trường đến đó, vệ sinh từ nhà ra đường, vệ sinh trong ngõ, đường đi nơi công cộng… Xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân, chuẩn bị các giống cây ngắn ngày để khi nước rút là trồng ngay; làm tốt công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Các chuyên gia của ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân phải khẩn trương trong sản xuất vụ đông, chú ý gieo trồng loại cây trồng còn trong khung thời vụ cho phép, đồng thời cũng phải tính đến nguồn quỹ đất và khung thời vụ cho vụ sản xuất đông xuân tiếp theo.
Đinh Chúc