Do năm 2009, nhuận 2 tháng 5 (âm), nên khâu cấy lúa đông xuân nằm ở khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Các huyện phía Bắc tỉnh: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư... thường xuống đồng cấy lúa đông xuân sớm và cùng với điều kiện thời tiết khí hậu như trên nên đến ngày 15-2 thì hầu hết các địa phương đã cơ bản cấy xong. Các huyện phía Nam tỉnh: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, do tập quán canh tác và tiểu vùng khí hậu khác nên xuống đồng gieo cấy lúa xuân muộn hơn... nhưng đến ngày 20-2 thì các địa phương trên cũng đã cơ bản hoàn tất khâu sản xuất này. Như vậy nếu so với lịch thời vụ chung, thì các đơn vị trong tỉnh đều đã về đích sớm, trước thời hạn quy định (ngày 25-2) từ 5-10 ngày.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT đến cuối tháng 2-2009, nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy được 40.759,5 ha lúa đông xuân các loại. Các địa phương cũng đã chuyển trọng tâm sang khâu chăm sóc và bảo vệ lúa đông xuân và đã thực hiện chăm sóc đợt 1 cho 20.256,1 ha, đạt 49,7% diện tích gieo cấy.
Ông Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trà xuân sớm, trà lúa tránh lụt tiểu mãn hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đã được chăm sóc bón thúc đợt 1, cần tiếp tục duy trì lớp mặt nước từ 3-5 cm để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Với trà xuân muộn, cần duy trì lớp nước mặt ruộng từ 2-3 cm; kiểm tra dặm tỉa những vị trí khuyết dảnh, khuyết khóm; khi thời tiết ấm (trên 15oC) tiến hành bón thúc lần 1 cho lúa; bón đầy đủ, cân đối lượng đạm và kali. Nông dân có thể sử dụng phân bón đa dinh dưỡng NPK của các công ty đã có uy tín trên địa bàn như: NPK Ninh Bình, NPK Bình Điền, NPK Lâm Thao, NPK Việt Nhật, NPK Năm Sao..., song khi bón cần quy đổi về dạng phân đơn để có lượng bón cho đủ và phù hợp với từng chân đất và giống lúa. Có thể sử dụng NEB-26 để thay thế cho đạm theo nguyên tắc cứ 7 ml NEB thay cho 1 kg đạm và chỉ được thay 50% lượng đạm cần bón lần đó. Khi thực hiện bón thúc cần tiết hành làm cỏ sục bùn nhằm diệt cỏ dại, giúp phân bón phát huy hiệu quả, hạn chế mất chất dinh dưỡng do bị rửa trôi hoặc bay hơi; mặt khác việc làm cỏ sục bùn nhằm giải phóng một số khí độc trong đất và cung cấp thêm ôxy cho rễ lúa. Đồng thời với việc chăm sóc cho lúa như làm cỏ, bón thúc, thì các địa phương và người nông dân cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết khí hậu; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh trên đồng ruộng và có biện pháp phòng, chống kịp thời các loại dịch hại. Kinh nghiệm cho thấy, thời tiết khí hậu thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển cũng là yếu tố tốt cho sâu bệnh, dịch hại xuất hiện gây hại. Chi cục BVTV tỉnh dự kiến, trong thời gian tới, một số đối tượng gây hại trên lúa chính là: Rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ có mức độ và quy mô gây hại cao hơn vụ trước. Bệnh đạo ôn trên lá và trên cổ bông có mức độ và quy mô gây hại cao hơn so với vụ đông xuân trước. Sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân 2 chấm mức độ và quy mô gây hại tương đương với vụ đông xuân trước. Ngoài ra còn có ốc bươu vàng, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn và bệnh khô vằn có thể xuất hiện gây hại với mức độ, quy mô tương đương hoặc cao hơn vụ trước. Đặc biệt chuột là đối tượng gây hại thường xuyên, liên tục từ giai đoạn mạ đến khi thu hoạch; cần có biện pháp phòng, chống thích hợp, thường xuyên.
Hơn lúc nào hết, đây là thời kỳ cần được sự quan tâm theo dõi sát của các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng; nhất là trong việc dự tính, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh; biện pháp phòng, chống sâu bệnh có hiệu quả; kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho lúa sinh trưởng phát triển tốt; công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp... và cùng với sự cần cù, bám sát đồng ruộng của người nông dân, hy vọng vụ lúa đông xuân 2008 - 2009 sẽ đạt thắng lợi cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo đà cho các vụ sản xuất tiếp theo.
Đinh Chúc