Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, năm 2016, toàn tỉnh có 93 lò vôi thủ công (lò dã chiến) và lò vôi thủ công liên hoàn. Để thực hiện kế hoạch xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình, ngành Xây dựng đã tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện tốt theo kế hoạch đã được đề ra.
Theo đó, Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền về tác hại của lò vôi thủ công đối với môi trường và đời sống xã hội. Cùng với đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vôi công nghiệp tại các vị trí được quy hoạch, không tham mưu cấp phép đầu tư xây dựng các dự án sản xuất vôi công nghệ lạc hậu ô nhiễm môi trường.
Ngành Xây dựng cũng đã tăng cường công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng đối với các dự án sản xuất vôi để đảm bảo các dự án đầu tư phải sử dụng lò nung theo công nghệ tiên tiến.
Ông Phạm Đình Chiến, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: Đến nay, về cơ bản các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh đã được xóa bỏ theo lộ trình, đảm bảo theo Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành. Cụ thể, trên địa bàn các huyện Yên Mô, Yên Khánh đã xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công trước thời hạn quy định; trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Gia Viễn còn một số rất ít các lò thủ công liên hoàn đang hoạt động, theo lộ trình kế hoạch đề ra đến năm 2020 các lò vôi này sẽ xóa bỏ hoàn toàn.
Song song với việc xóa bỏ lò vôi thủ công, ngành Xây dựng đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh. Một số dự án sản xuất vôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi cũng đã và đang được đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu lực, an toàn vận hành, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo vệ sinh môi trường như: Dự án của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; Dự án của Công ty TNHH MTV Việt Thắng tại phường Nam Sơn, Thành phố Tam Điệp.
Ngoài ra, ngành Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đối với chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ thể sử dụng vật liệu xây dựng trong công trình xây dựng về những ưu việt, lợi thế của việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hướng dẫn các quy định của Nhà nước về sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng.
Ông Phạm Đình Chiến cho rằng: Mặc dù các cơ sở sản xuất vôi thủ công đã dừng sản xuất nhưng vẫn chưa phá dỡ vỏ lò, vì vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trở lại. Để ngăn chặn nguy cơ hoạt động trở lại của các lò vôi thủ công cần có chế tài kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thông qua việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, dự án sử dụng các nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ trung ương và địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước để thực hiện triệt để Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 7/10/2016 của UBND tỉnh về việc xóa bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh, kịp thời ngăn chặn nguy cơ hoạt động trở lại của các lò vôi thủ công, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo thiết bị, phụ tùng thay thế cho các dây chuyền sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công, sự nghiệp khoa học và nguồn quỹ khuyến khích ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bảo Yến