Tại Ninh Bình, tuy chưa phát hiện có bệnh nhân nhưng nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh không nhỏ. Để khống chế thành công dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại do dịch cúm A (H1N1) gây nên, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các ngành chức năng, trong đó chủ lực là ngành Y tế.
Ngoài ra, mỗi cá nhân, gia đình cũng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tư vấn, khám bệnh trong trường hợp mắc các triệu chứng của bệnh như: sốt cao, đau đầu, đau họng, đau cơ, bắp…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm A (H1N1).
Ngành Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các đơn vị trong ngành cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, thành lập các đội chống dịch lưu động, các đội phản ứng nhanh, kèm theo đó là trang thiết bị, hóa chất, thuốc men, trang phục bảo hộ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu.
Ngành cũng đã tổ chức tập huấn giám sát, phát hiện bệnh; hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu cúm A (H1N1) đi xét nghiệm; phổ biến phác đồ điều trị cho đội ngũ y, bác sĩ ở tất cả các tuyến, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát máy móc, thuốc men, kiểm tra khả năng ứng cứu của các đội phản ứng nhanh trong tình huống nguy cấp.
Đến nay, toàn bộ danh mục thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch do Bộ Y tế ban hành đã được các đơn vị bổ sung đầy đủ. Sở Y tế đã cấp xuống các bệnh viện 3.000 viên tamiflu, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh 500 viên, các đơn vị còn lại 300-350 viên. Toàn tỉnh hiện có 20 máy phun hóa chất, 23 máy thở còn hoạt động tốt.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xảy ra dịch lớn, Sở Y tế đang trình Bộ Y tế bổ sung thêm 11 máy thở, chủ yếu cấp cho các bệnh viện tuyến huyện, bởi phương châm điều trị cúm A (H1N1) là điều trị tại chỗ, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân, tránh lây lan rộng.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi được biết công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A (H1N1) của đơn vị khá chu đáo, bài bản. Bệnh viện đã tiến hành kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch; thành lập các tổ giúp việc về chuyên môn, giám sát, hậu cần.
Trong đó tổ chuyên môn chịu trách nhiệm tập huấn về chẩn đoán điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân, phát hiện sớm các ca bệnh; tổ giám sát tổ chức tập huấn về công tác vệ sinh trong điều trị, chăm sóc người bệnh, cách thức lấy bệnh phẩm, xử lý bệnh phẩm và chất thải, công tác phòng hộ cho cán bộ y tế, thực hiện thông tin, báo dịch hàng ngày, triển khai các biện pháp cách ly khi phát hiện ca bệnh đầu tiên; tổ hậu cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như buồng khám sàng lọc bệnh nhân, bố trí khu điều trị cách ly, gồm 25-30 giường bệnh, đặt tại khoa truyền nhiễm, nếu bệnh nhân đông sẽ bố trí tiếp ở khoa Lao, chuẩn bị thuốc, dịch truyền trước mắt đủ điều trị cho 50 người bệnh.
Qua kiểm tra, Bệnh viện có 14/17 máy thở còn hoạt động tốt, các phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế như găng tay, khẩu trang, quần áo dùng 1 lần, kính mắt… đủ đáp ứng yêu cầu. Bệnh viện cũng đã thành lập 3 tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới, thành lập 4 kíp tăng cường, hỗ trợ cho khoa Truyền nhiễm khi có dịch, mỗi kíp có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng.
Tại bệnh viện tuyến huyện, thị xã công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất, từ nhân lực, thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị đã trong tư thế sẵn sàng. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn của các ngành, như: Công an, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp - phát triển nông thôn… nhằm nắm bắt các tua du lịch đến Ninh Bình, những người đi từ vùng dịch đến, từ đó có kế hoạch ứng phó kịp thời, phát hiện, điều trị sớm các ca bệnh, đồng thời triển khai nhanh các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Hà Trang