Sản xuất lương thực liên tục phát triển
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, khi đó sản xuất nông nghiệp trong tình trạng lạc hậu, manh mún, năng suất cây trồng thấp, sản lượng lúa không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Diện tích lúa cả năm của tỉnh là 74.247 ha, năng suất bình quân đạt 70,63 tạ/ha/năm, sản lượng đạt 262.550 tấn; đến năm 2001 diện tích tăng lên 83.240 ha, năng suất lúa bình quân đạt 105,55 tạ/ha, sản lượng đạt 440.381 tấn. Như vậy, sau 10 năm đổi mới, diện tích lúa cả năm của tỉnh đã tăng 8.993 ha, năng suất tăng 34,8 tạ/ha, sản lượng tăng 177.731 tấn so với năm đầu tái lập
Từ năm 2002 đến nay, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lương thực nói riêng của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng: Năng suất, chất lượng và hiệu quả. Các diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả, cho năng suất thấp được chuyển đổi hướng canh tác. Vùng đất cao trồng cây mầu, cây công nghiệp; vùng đất ven biển Kim Sơn (nước lợ) chuyển sang trồng cói, nuôi trồng thủy sản; vùng đất trũng, lầy thụt chuyển sang nuôi thả cá nước ngọt kết hợp với cấy lúa vụ đông xuân và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại... diện tích cấy lúa cũng có sự chuyển dịch về cơ cấu giống, đưa nhiều giống lúa có chất lượng cao, năng suất khá vào sản xuất: LT2, LT3, Bắc thơm, Q5... Tuy diện tích gieo cấy lúa có xu hướng giảm đi, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng qua các năm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Năm 2005, diện tích lúa cả năm là 80.105,8 ha, sản lượng lúa đạt 397.089 tấn; đến năm 2007 diện tích lúa là 79.118 ha, sản lượng lúa đạt 445,548 tấn. Năm 2007, diện tích giảm 948 ha nhưng sản lượng lại tăng 48.459 tấn lúa so với năm 2005. Diện tích gieo cấy lúa giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân: Sự đô thị hóa đang diễn ra mạnh ở các địa phương, việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công trình công cộng và đất dành cho phát triển các khu, cụm công nghiệp. Sản lượng lúa vẫn tăng là do: kinh nghiệm sản xuất lương thực của nhân dân được nâng lên, khoa học kỹ thuật và công nghệ được ứng dụng nhiều và rộng vào sản xuất (nhất là công tác giống và kỹ thuật thâm canh). Hơn 10 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đảm bảo đủ lương thực đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh và hiện tại mỗi năm còn dư thừa hàng trăm tấn thóc.
Giá gạo đã giảm, nhưng vẫn không có nhiều người mua Ảnh: Xuân Tứ
Lương thực không khan hiếm dù giá tăng
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cơn sốt lương thực không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Giá gạo tăng nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm. Thời điểm xảy ra tình trạng gạo "sốt" ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình không có tình trạng người dân đổ xô đi mua gạo và dĩ nhiên không có tình trạng khan hiếm gạo trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Thông (Hoa Lư) cho rằng: Gần 80% dân số sống ở vùng nông nghiệp, nông thôn và với thành tựu trong gieo cấy lúa như các năm qua thì không lý do gì lại thiếu gạo ăn.
Giá lương thực trên địa bàn Ninh Bình đã tăng nhiều, thậm chí tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tý. Nhưng đó là do hậu quả của cơn "bão giá" sau Tết cổ truyền, hệ quả của tình trạng lạm phát mà Chính phủ và các cấp, các ngành đang tìm mọi biện pháp để kiềm chế.
Từ góc độ của người nông dân thì sự tăng giá đó là có lợi khi sản phẩm làm ra đã đạt giá trị cao. Hơn nữa, giá các loại hàng hóa khác tăng cao, nhất là hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc trừ sâu… đều tăng theì giá lương thực tăng là tất yếu.
Giá lương thực có thể còn cao và không thể giảm xuống bằng giá của năm 2007, song tỉnh Ninh Bình không thiếu lương thực. Vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn vẫn được đảm bảo trong nhiều năm qua và những năm tiếp theo.
Đinh Chúc