Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thêm nhiều dự án được khởi công, một số nhà máy mới đi vào sản xuất. Ngành Du lịch phát triển mạnh cả về lĩnh vực thu hút đầu tư, số lượng du khách đến tham quan, lưu trú và doanh thu dịch vụ du lịch. Vụ đông xuân giành thắng lợi. Bên cạnh đó, những thách thức trước mắt còn khá lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phát huy cao độ nội lực để vượt qua, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2008.
Công nghiệp nhiều tín hiệu lạc quan
Theo Cục Thống kê, ngành Công nghiệp tỉnh Ninh Bình 6 tháng đầu năm đã có những đột phá về tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.845,5 tỷ đồng, tăng 53,2% so cùng kỳ năm 2007 và đạt 55,9% kế hoạch năm. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước tăng 26%, khu vực ngoài Nhà nước tăng gấp hơn 2 lần. Công nghiệp chế biến vẫn là ngành sản xuất chủ lực với giá trị sản xuất chiếm 89,4% giá trị sản xuất toàn ngành và tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2007.
Đáng chú ý là hầu hết các nhóm hàng công nghiệp chủ yếu đều có tốc độ tăng trưởng khá như công nghiệp chế biến quả và hạt đóng hộp đạt 5.672 tấn, tăng gấp 3,4 lần; rau quả ướp lạnh đạt 380,2 tấn, tăng gấp 2,1 lần; xi măng và clanke đạt 1.768,2 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần… Góp phần vào sự tăng trưởng đó, ngoài sự nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, hiệu quả của các doanh nghiệp trong tỉnh, còn có sự góp mặt của một số các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động như Nhà máy xi măng Duyên Hà, Công ty cổ phần Xi măng Hướng Dương, Công ty May Đài Loan.
Điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế tỉnh Ninh Bình 6 tháng vừa qua là công tác thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong 6 tháng, Ninh Bình đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho 22 dự án mới với tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 304,5 triệu USD. Một số dự án có mức đầu tư lớn đang được tích cực triển khai xây dựng như Nhà máy Phân đạm công suất 56 vạn tấn/năm, Nhà máy phụ tùng động cơ tàu thủy VinaShin...
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
6 tháng đầu năm nay, hoạt động du lịch diễn ra sôi động, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế đang lên và nhiều triển vọng của Ninh Bình. Tổng lượt khách tham quan và lưu trú từ đầu năm đến nay đạt hơn 1 triệu lượt, nhất là trong thời điểm diễn ra Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề "Ninh Bình - Non nước hữu tình" và Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Việt Nam. Trong đó có trên 300 nghìn lượt du khách quốc tế và 727 nghìn lượt khách nội địa. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 73,4 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Cùng thời gian này, công tác quy hoạch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tiếp tục chuyển biến tích cực. Đã có những dự án lớn chính thức đi vào hoạt động là Khu du lịch sinh thái Tràng An, các hạng mục của khu suối nước nóng Kênh Gà…
Hiện nay, các dự án du lịch lớn cũng đang nhanh chóng được triển khai, như dự án sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng có tổng số vốn dự kiến gần 100 triệu USD; dự án quần thể làng du lịch sinh thái Ninh Bình do đối tác Hà Lan đầu tư đạt tiêu chuẩn 4 sao, với số vốn giai đoạn 1 trên 2 triệu USD… Tất cả đã tạo ra diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình, đưa tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước.
Khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng đến Ninh Bình nhiều hơn.
Nông nghiệp được mùa lớn.
Kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn là vụ được mùa tương đối toàn diện, năng suất lúa đông xuân năm nay của cả tỉnh ước đạt 62,1 tạ/ha, tăng 4,6% so với vụ đông xuân năm trước. Sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 274,8 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ, bằng 58,5% kế hoạch cả năm.Vượt qua khó khăn về thời tiết, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Ninh Bình không ngừng được mở rộng, đạt 7.357 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ, sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt 7.568 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2007. Dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm đã được dập tắt hoàn toàn.
Do làm tốt công tác hỗ trợ thiệt hại, khắc phục hậu quả, đến nay hầu hết các hộ chăn nuôi đã khôi phục được chăn nuôi trở lại. Bức tranh kinh tế Ninh Bình 6 tháng đầu năm nay phần lớn là những mảng màu sáng với nhiều tín hiệu lạc quan. Bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn và thách thức, đó là những hiểm họa thiên tai khó lường, là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh nhà còn hạn chế, tỷ lệ lạm phát cao, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút hoặc có tăng nhưng chưa đạt kế hoạch… Vì vậy, từ nay đến cuối năm cần phát huy mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và phấn đấu quyết liệt hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2008.
Quốc Khang