Đêm trắng ở rốn lũ
Mưa tầm tã, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ngày càng nhanh, phố núi Nho Quan bị chia cắt ngay tại cửa ngõ xã Lạc Vân. Khó khăn lắm chúng tôi mới liên hệ được xe chuyên dụng để sang vùng rốn lũ Đức Long, Gia Tường.
Màn đêm theo mây đen vần vũ xuống lúc nào không hay. Không còn cảnh bình yên với khói bếp buổi chiều mà thay vào đó là tiếng í ới gọi nhau của hàng ngàn hộ dân khu vực bị ảnh hưởng xen lẫn tiếng loa phát thanh của xã thông báo mực nước và đề nghị người dân di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Quách Văn Nhân, thôn Kiến Phong, Gia Tường nói: Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì vì phải cùng với dân quân trong xã tuần tra đê, gia cố những nơi xung yếu. Lo lắm các anh chị ạ. Hàng chục năm nay không lụt to thế này. Nước lên nhanh, tôi đang phải về để sơ tán bà cụ với mấy đứa nhỏ ở nhà đến chỗ người quen cách đây 5km.
Trên mặt đê Đức Long- Gia Tường xe máy, ô tô, rồi trâu bò cùng chen chân tránh lụt. Nước dưới chân đê đục ngầu, cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ xuống. Hàng trăm người, bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, dân phòng chuẩn bị đầy đủ máy móc, bao cát, tải bạt cũng đã tập hợp... tất cả lặng lẽ thực hiện công việc được giao, chỉ nghe thấy tiếng của người chỉ huy: "Chúng ta phải chuẩn bị với tinh thần cao nhất là xả tràn, không ai dời khỏi vị trí trực".
Hơn 10 giờ đêm, sự cố bất ngờ xảy ra, tường kè đê Đức Long bị rò nhiều vị trí, nước xối xả tràn xuống lòng đường. Ngay lập tức, các lực lượng tập trung bạt, bao cát và đá để ứng cứu. Trong màn đêm, Bí thư Huyện ủy Nho Quan Lã Trường Sinh trực tiếp cùng các lực lượng căng bạt, bê cát chèn chân đê. "Huy động mọi lực lượng, trưng dụng phương tiện, không được để vỡ tường kè, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân"- Bí thư Sinh lo lắng chỉ đạo… Đến gần 12 giờ đêm sự cố được khắc phục.
Lãnh đạo huyện Nho Quan chỉ đạo và trực tiếp tham gia khắc phục sự cố giữ vững tường kè đê Đức Long. Ảnh: Trường Giang
Trong màn đêm chúng tôi di chuyển về nơi trọng yếu nhất của vùng rốn lũ Đập tràn Lạc Khoái. Điện sáng cả một vùng, những gương mặt lo lắng đứng trông ra xa nhìn mực nước lên.
Bà Mật (thôn Nam Ninh, xã Gia Lạc) rơm rớm nước mắt: "Chúng tôi đứng đây từ chiều, không phải vì hiếu kỳ, mà ra để đợi, nếu có phát lệnh xả lũ là về chạy đồ, lùa gia súc lên đê. Đêm nay người dân Gia Lạc không ai dám ngủ!".
Mặc dù sống trong vùng lũ nhưng không ai có thể quen nổi với cuộc sống ngập trong nước lũ với sự mất mát không thể kể hết. Xen lẫn sự lo lắng là nỗi ám ảnh của người dân về trận lũ lịch sử năm 2008. Bà Quế (thôn Thống Nhất, xã Gia Lạc) nhớ lại: 14 ngày nhà tôi ngập trong nước, không cơm ăn, nước uống, thức ăn duy nhất là mì tôm, trẻ con không chịu được quấy khóc… Bây giờ đứng đây, ngoài mặt vẫn cười đấy nhưng nước mắt thì chảy vào trong".
Chưa vơi những nỗi lo
Sở chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN của tỉnh được đặt ngay sát tràn Lạc Khoái. Các thành viên của Ban chỉ huy và cả những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý đê điều đã cùng nhau hợp sức tìm lời giải hợp lý nhất cho bài toán xả tràn hay giữ đê.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết tâm: "Trong tình huống này, tất cả ai có kinh nghiệm hãy cùng lên tiếng để tìm ra phương án tối ưu nhất, đánh giá, dự báo tình hình chuẩn xác nhất để hạn chế đến mức thấp nhất việc xả tràn... Tôi đã báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng yêu cầu chúng ta cố gắng giữ đê. Đây là nhiệm vụ của cả tỉnh, chúng ta phải tính toán cho thật kỹ. Phải đặt tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước lên hàng đầu".
Quyết định có xả tràn hay không trong lúc nguy nan này thực sự là thách thức vô cùng lớn. Nếu phải xả tràn thì thiệt hại hết sức nặng nề, "sức dân" bao nhiêu năm nay sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Hàng chục xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn sẽ chìm trong biển nước.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến trầm giọng: "Từ chiều, có người dân đứng ở đầu cầu khi nghe nói có phát lệnh xả tràn, người ta khóc vì bao nhiêu năm nay người ta đầu tư, phát triển kinh tế, xây sửa nhà cửa, giờ xả tràn là người ta mất hết… Do vậy đặt ra cho chúng ta phải tìm mọi cách để đảm bảo hai yếu tố vừa giữ được an toàn đê điều, vừa giảm thiểu thiệt hại. Toàn bộ lực lượng phải tập trung cao độ, cố gắng duy trì".
Các lực lượng ứng trực trên đê sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ảnh: TG
Một đêm trắng bên vùng rốn lũ. Thời gian nặng nề trôi qua trong sự căng thẳng của bao người mỗi khi có tin báo về mực nước tăng giảm hay sự cố ở các điểm xung yếu. Trong mỗi mái nhà, điện vẫn sáng và lòng người chưa vơi đi nỗi bất an khi nhìn ra mênh mông biển nước.
Qua một đêm kiên cường chống chọi với thủy thần, đến 7h sáng ngày 12/10, toàn bộ tuyến đê của hai huyện Nho Quan, Gia Viễn vẫn an toàn, các lực lượng tiếp tục tập trung ứng cứu. Mặc dù mực nước trên sông Hoàng Long tại bến Đế đã đạt đỉnh nhưng với dấu hiệu không mấy khả quan của thời tiết thì chưa thể vơi đi nỗi lo…
Nguyễn Thơm- Nguyễn Lựu